Giảm nhẹ ảnh hưởng của BĐKH đến tôm nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo nhiều chuyên gia, để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với dịch bệnh tôm nuôi, nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, nuôi an toàn sinh học, và hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh.

Môi trường bất ổn

Nhiệt độ là một trong những yếu tố giới hạn sinh thái của vật nuôi trồng. Với tôm sú, nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển từ 25 – 300C, lớn hơn 350C hoặc thấp hơn 120C kéo dài làm tôm sinh trưởng chậm. Nhiệt độ ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố khác, đặc biệt là chất lượng nước, khả năng bắt mồi và lấy thức ăn của tôm.

Bảng 1: Các giai đoạn tiêu hóa thức ăn của tôm thẻ chân trắng sau khi cho ăn ở mức nhiệt khác nhau

giai đoạn tiêu hóa thức ăn của tôm thẻ chân trắng khi cho ăn ở mức nhiệt khác nhau

(Nguồn: Triệu Thanh Tuấn, 2015).

Theo bảng, ở nhiệt độ 240C, mất đến 90 – 105 phút để tiêu hóa thức ăn. Như vậy, phần lớn dinh dưỡng trong thức ăn không được hấp thu trong ruột tôm và thải ra môi trường thông qua phân. Lượng thức ăn không được tiêu hóa trong phân tôm cũng được quan sát. Qua nhiều nghiên cứu, cho thấy tôm tiêu hóa lâu hơn gấp 2 lần ở nhiệt độ 280C so với 320C. Ở nhiệt độ thấp (24 – 260C), tôm ăn ít hơn so với ở các mức nhiệt độ khác. Lượng thức ăn còn dư sau 2 giờ cho ăn (Bảng 2) cũng cho thấy nên cho tôm ăn cách nhau trên 4 giờ khi nhiệt độ thấp.

Bảng 2: Thời gian tôm thẻ chân trắng tiêu hóa hoàn toàn thức ăn ở mức nhiệt khác nhau

thời gian tôm thẻ chân trắng tiêu hóa thức ăn ở mức nhiệt khác nhau

(Nguồn: Triệu Thanh Tuấn, 2015).

Thích ứng phổ biến nhất hiện nay có thể áp dụng đó là bằng cách điều chỉnh mùa vụ nuôi, tránh những khoảng thời gian nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh. Theo kinh nghiệm ở miền Bắc, mùa vụ thả tôm tốt nhất là sau tiết Thanh minh hàng năm, khi đó nhiệt độ tương đối ổn định, tôm thả có tỷ lệ sống cao, đồng thời tôm vụ 2 thì thu hoạch trước mùa mưa bão (tháng 9 hàng năm) để tránh thiệt hại.

Bên cạnh đó, điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi, thay vì nuôi đơn tôm sú hoặc tôm thẻ với mật độ cao và rủi ro lớn, nhiều nông dân ở Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Thừa Thiên – Huế hay Cà Mau, Bạc Liêu… nuôi xen ghép tôm với các đối tượng khác nữa như cá đối, rô phi, rau câu,… hoặc một số đối tượng khác để giảm rủi ro khi thời tiết thay đổi (và cả thị trường thay đổi).

Cuối cùng là lách vụ, việc này đã và đang làm rất tốt ở Thanh Hóa, Thái Bình và nhiều tỉnh miền Bắc cũng như ĐBSCL, người dân đã tiến hành ươm con tôm giống trong trại hoặc giai, gièo, chờ đến khi nhiệt độ môi trường ổn định và sức đề kháng con tôm tốt hơn thì sẽ bung ra ao nuôi.

 

Thích ứng

Để thích ứng với tình trạng nhiệt độ thay đổi, người nuôi có thể thực hiện bằng cách nâng cấp hạ tầng trại nuôi và các biện pháp kỹ thuật.

Về hạ tầng

Để đối phó với nhiệt độ thay đổi, nhiều trại nuôi đã nâng cấp đầu tư hệ thống nhà màng nuôi an toàn sinh học, ví dụ vùng nuôi ở Bạc Liêu của Công ty Việt – Úc để kiểm soát nhiệt độ và nhiều yếu tố khác. Trại nuôi của ông Hoàng Xuân Tin, ở Nghệ An đã xây dựng mô hình nuôi tôm trong nhà và ao bể xi măng để kiểm soát nhiệt độ (kể cả mưa liên quan đến pH và độ mặn)… Bên cạnh đó, nâng cấp hệ thống ao lắng ao chứa, để khi nhiệt độ nóng quá, nước bốc hơi mạnh có thể bơm thêm nước từ ao chứa lắng vào ao nuôi để giảm bớt nhiệt và thêm nước cho ao.

sơ đồ ao nuôi tôm thẻ chân trắng hoàn chỉnh

Hình 2: Sơ đồ bố trí ao nuôi tôm hoàn chỉnh

 

Về biện pháp kỹ thuật

Thiết kế ao nuôi đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế thấp nhất tác động của BĐKH, đặc biệt là thay đổi nhiệt độ, pH, độ mặn.

Trại nuôi cần có ao lắng cấp và ao xử lý nước thải. Bên cạnh đó là các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật, như máy quạt nước, máy sục khí; hệ thống máy bơm và ông/cống rút xả…

Quản lý thức ăn: nhiệt độ quá cao, hoặc quá thấp, tôm nuôi giảm ăn. Vì vậy cần theo dõi cho ăn chặt chẽ bắng nhá/vó, giảm cho ăn vào những thời điểm này.

giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tôm nuôi

Áp dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm giúp tăng hiệu quả – Ảnh: Trần Út

Đối với nuôi tôm nước lợ, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, như: gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm; thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi bão, lũ lụt xảy ra. Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước. Trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao và để mực nước trong ao cao nhất. Khi trời mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cánh phai của cống thoát.

 

Dịch bệnh tăng

Theo thống kê của các nhà khoa học, nuôi trồng thủy sản trên thế giới và Việt Nam trong 5 – 10 năm trở lại đây dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều. Cho đến nay, trên thế giới đã có khoảng 22 loại virus gây bệnh ở tôm he (tôm biển) được công bố trong danh mục các bệnh nguy hiểm trên tôm được Tổ chức Thú y Thế giới cảnh báo (Đặng Thị Hoàng Oanh, 2012).

Để khắc phục có thể nuôi tôm theo hình thức luân canh gối vụ, sau vụ nuôi tôm, có thể tiến hành nuôi rô phi hoặc cá chẽm, để cắt bệnh.

Đối với bệnh vi bào tử trùng (EHP): Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Việc kiểm tra, kiểm soát mầm bệnh từ tôm giống bằng phương pháp PCR là hết sức quan trọng. EHP có thể tồn tại sau khi đã xử lý Chlorine ở 100 ppm. Có khuyến cáo nên sử dụng vôi nóng (CaO) để xử lý ao để có thể đạt độ pH đáy ao trong quá trình cải tạo cao hơn 11 – 12 để làm chết mầm bệnh EHP (Trần Hữu Lộc, 2016).

Đối với hội chứng chết sớm (EMS): Ngoài xét nghiệm giống chặt chẽ và các biện pháp đã nêu. Cần xem xét nuôi ghép với cá rô phi hoặc các loài cá khác, tạo hệ vi sinh có lợi trong ao để át chế nhóm vi khuẩn Vibrio gây bệnh. Có thể nuôi luân canh, vụ chính nuôi tôm sau đó nuôi các đối tượng khác như cá kèo, rô phi…

>> Đối với nông dân, việc theo dõi sát các hoạt động tại trại nuôi (thời tiết, nhiệt độ, màu nước, quan sát vận động và sức ăn của tôm nuôi…), nâng cao trình độ kỹ thuật và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất là tối quan trọng.

Tưởng Phi Lai - Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!