Giảm thiểu thiệt hại nuôi tôm vụ nghịch

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong thực tế, nuôi tôm vụ nghịch ở vùng ĐBSCL đã mang lại những lợi ích nhất định như giá bán cao, lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, vụ nuôi này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Mùa vụ và giống

Nuôi tôm vụ nghịch thường bắt đầu thả giống vào tháng 10 – 11 và thu hoạch vào tháng 1 – 2 năm sau. Thời gian này nhiệt độ ban ngày 28 – 300C nhưng ban đêm lại giảm xuống 19 – 210C, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng của tôm nuôi. Để khắc phục hiện tượng này người nuôi cần dâng cao nước trong ao và nếu có điều kiện, có thể lắp hệ thống đưa khí nóng xuống đáy ao để nâng nhiệt độ nước từ 3 – 40C, giúp tôm phát triển tốt.

Tôm sú và tôm thẻ chân trắng thường sinh sản vào 2 vụ chính là tháng 2 – 3 và tháng 10 – 11, do vậy nguồn tôm giống cung cấp cho nuôi vụ nghịch quá trình sản xuất giống ở thời điểm thời tiết không thuận lợi nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng giống. Theo kết quả thực tế nuôi của một số hộ dân ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu… thì nuôi tôm vụ nghịch chất lượng giống kém hơn vụ chính như tỷ lệ phân đàn cao, tôm lớn chậm và sức đề kháng kém. Do vậy, người nuôi khi bắt giống thả cần chọn những nhà cung cấp có uy tín, hạn chế vận chuyển xa, nên đến trại sản xuất giống để truy xuất nguồn gốc, đồng thời phải kiểm dịch tôm giống, tránh mang mầm bệnh tiềm ẩn. Nên chọn nuôi tôm thẻ chân trắng vì loài tôm này có tốt độ sinh trưởng nhanh, chịu được sự biến động lớn của độ mặn và hạn chế được bệnh EMS trên tôm khi nhiệt độ hạ.

 

Chuẩn bị tốt ao hồ

Nuôi tôm vụ nghịch do thời gian thả ngắn do vậy việc chuẩn bị ao sẽ gấp, thậm chí nhiều nơi còn chưa kịp phơi đáy. Do vậy để tránh dịch bênh tiềm ẩn, đối với ao đất cần sên vét hết lớp bùn đen trên mặt đáy, dùng máy bơm cao áp sục bùn và bơm hết bùn loãng ra khỏi ao, sau đó dùng vôi bột (CaO) rải đều xuống đáy và xung quanh bờ ao, liều lượng 15 – 18 kg/100m2.

Cải tạo ao hồ tốt, hạn chế dịch bệnh khi nuôi tôm – Ảnh: Phan Thanh

Đối với những hộ nuôi ao có dải bạt nền đáy cần xịt rửa sạch bạt đáy và xung quanh ao, sau đó dùng chlorine 40 ppm té đều lên mặt bạt, phơi ao từ 2 – 3 ngày cho chlorine bay hơi. Ao nuôi nên thiết kế một diện tích gom tụ chất thải giữa ao (5 – 10% diện tích ao) và có thể lắp đường ống thải hoặc hệ thống xiphông đáy. Thiết kế cống tràn để tháo nước tầng mặt phòng khi trời mưa lớn làm hạ độ mặn của ao.

Đối với những vùng nguồn nước bị ô nhiễm, người nuôi nên khoan giếng ở độ sâu từ 20 – 30m để lấy nước mặn. Sau khi cấp nước vào ao nuôi, dùng EDTA và dolomite để làm trong nước và khử kim loại nặng sau 1 ngày thì thả tôm, đây cũng là cách làm hay được người nuôi ứng dụng nhiều ở Long An, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Có kế hoạch chủ động trữ nước vào ao lắng ở độ mặn từ 25‰ trở lên để cung cấp cho ao nuôi. Trước khi lấy nước vào ao nuôi 10 ngày cần khử trùng ao lắng bằng chlorine 30ppm. Nước cấp vào ao nuôi qua túi lọc dày và pha với nước giếng khoan, mực nước trong ao cần duy trì ở độ sâu từ 1,4 m trở lên để hạn chế sự biến động của nhiệt độ và độ mặn khi trời mưa nhiều. Cần bố trí hệ thống quạt khí cho ao nuôi như nuôi tôm vụ chính.

 

Thả giống và chăm sóc

Theo dõi thông tin về thời tiết để có kế hoạch thả giống, tránh những ngày mưa. Mật độ thả nuôi vừa phải từ 40 – 50 con/m2 (tôm thẻ chân trắng) và 10 – 15 con/m2 (tôm sú). Nên thả giống cỡ lớn (P12 trở lên) để tăng sức chịu đựng của tôm đối với môi trường. Khi thả cần kiểm tra các chỉ số môi trường như pH, AH, ôxy hòa tan, H2S, NH3 nhằm đảm bảo chắc chắn các chỉ số trên đều nằm trong giới hạn cho phép, giúp tôm sinh trưởng tốt.

Cho tôm ăn đúng chủng loại và kích cỡ thức ăn, phù hợp với cỡ miệng của tôm ở từng giai đoạn phát triển. Thức ăn phải có chất lượng, không bị vón cục và không trữ nhiều thức ăn trong một thời điểm, tránh bị ẩm mốc. Cho tôm ăn đúng liều lượng không dư thừa, điều chỉnh thức ăn bằng cách quan sát sức ăn của tôm trong vá và màu sắc phân tôm. Cần định kỳ ngắt bữa cho tôm ăn (2 ngày ngắt 1 bữa) để kích thích tính thèm ăn của tôm.

Đối với những ngày thời tiết thay đổi bất thường, nắng hoặc mưa kéo dài, nhiệt độ nước giảm thì giảm lượng thức ăn từ 10 – 20%, đồng thời bổ xung VitaminC và men vi sinh vào thức ăn (60 g/1 kg thức ăn) để tôm tiêu hóa tốt và tăng sức đề kháng. Gặp mưa kéo dài, lượng nước lớn, độ mặn giảm, cần tắt quạt nước và mở cánh phai xả tràn nước ngọt trên mặt ao, đồng thời bón bổ xung lượng khoáng và vôi nước Ca(OH)2 xuống ao để ổn định pH và khắc phục hiện tượng tôm mềm vỏ.

Sau khi nuôi từ 10 ngày trở lên có thể xiphông hoặc xả lượng chất thải ở giữa ao. Bón chế phẩm sinh học để phân hủy các sản phẩm bài tiết, thức ăn thừa, xác tảo… tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển nhằm chuyển hóa cách khí độc và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Cần quan sát màu nước và ổn định pH ở khoảng thích hợp từ 7,8 – 8,5 bằng mật mía và vôi dolomite. Trong 20 ngày đầu chỉ cần bật quạt nước về đêm, sau đó nên duy trì quạt nước 24/24 giờ.

Sau từ 2,5 – 3 tháng nuôi nên kiểm tra kích cỡ tôm và lựa chọn thời điểm thích hợp để thu hoạch tôm với size trung bình 70 con/kg, có thể đạt năng suất từ 4 – 5 tấn/ha.

 >> Nuôi tôm vụ nghịch tuy Lợi nhuận cao do bán được giá, nhưng thời gian nuôi ngắn, quá trình nuôi gặp nhiều bất lợi như giống kém chất lượng, thời tiết thay đổi bất thường, nhiệt độ hạ, dẫn đến tỷ lệ thành công thấp.

ThS Nguyễn Quang Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!