Giống cá tra vẫn “nóng” nhất

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020 vừa được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt, vấn đề con giống vẫn đặt lên hàng đầu. Điều này cho thấy mức độ rất “nóng” giống cá tra.

Èo uột

Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản TP Cần Thơ (Trung tâm Giống thủy sản Cần Thơ) rộng 25 ha, thành lập năm 1987, những năm gần đây doanh thu mỗi năm chỉ chừng 1 tỷ đồng. Với 38 cán bộ nhân viên (21 biên chế, 17 hợp đồng) và nhiều dãy nhà làm việc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo lý thuyết là phục vụ sản xuất giống cá tra, cá trê, cá lóc, tôm càng xanh, cam sành không hạt… Giám đốc Trung tâm Lê Văn Tính cho biết, cơ sở hạ tầng kỹ thuật xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm nhưng thiếu kinh phí để nâng cấp, cải tạo nên hoạt động rất khó khăn.

Hệ thống ao sản xuất cá giống của Trung tâm Giống thủy sản Cần Thơ có 40 ao, bùn lắng đáy ao dày cả mét, Trung tâm mới thuê nạo vét được chục ao. Doanh thu thấp nên Trung tâm hoạt động chủ yếu nhờ kinh phí được cấp, hằng năm kinh phí cấp nhiều hơn số tiền làm ra. Giám đốc Tính chia sẻ, Trung tâm đang trong tình trạng thừa thầy, thiếu thợ; cần hơn chục thợ giỏi nhưng không tuyển được, vì biên chế chỉ cho phép tuyển trình độ đại học trở lên.

Ở tỉnh Hậu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Đồng cho biết, Trung tâm giống của tỉnh tập trung phát triển các giống thủy sản đặc trưng gắn với sản phẩm du lịch của Hậu Giang. Đây cũng là trung tâm giống quốc doanh hiếm hoi ở ĐBSCL xác định rõ hướng đi nên làm ăn tương đối có hiệu quả. Trung tâm thành lập đầu năm 2004, có diện tích 20 ha với 50 cán bộ nhân viên (38 biên chế, 12 hợp đồng). Diện tích sản xuất giống chia làm 16 ao, năm 2012 cung cấp 130 triệu con cá bột, 30.000 con cá giống, doanh thu 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó giống cá tra rất ít, có năm không sản xuất.

Chuẩn bị cho cá tra bố mẹ sinh sản ở An Giang – Ảnh: Trần Út

 

Dịch bệnh tăng

Báo cáo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, dịch bệnh trên cá tra xuất hiện rải rác từ lúc thả nuôi cho đến cuối vụ, tỷ lệ hao hụt 10 – 30%. Năm 2013, toàn vùng có 732 ha cá tra bị nhiễm bệnh, tập trung 3 loại bệnh chủ yếu là gan thận mủ (chiếm 48%), xuất huyết (32%), ký sinh trùng (4%), còn lại là các bệnh khác. Đặc biệt, dịch bệnh thường xảy ra với cá dưới 250 g/con.

Dịch bệnh xảy ra quanh năm; một số bệnh trước đây rất ít hoặc chưa xuất hiện, nay xuất hiện nhiều (như bệnh gan thận mủ, bệnh gạo, trắng da, trắng mang). “Ngoài ra, hiện tượng vi khuẩn gây bệnh kháng một số loại thuốc thông dụng khiến công tác phòng trị bệnh trên cá của hộ nuôi ngày càng khó khăn hơn” – Ông Trương Quốc Bảo, chủ một hộ ương nuôi cá tra thương phẩm tại Cần Thơ cho biết.

Theo các chuyên gia và người nuôi cá, nguyên nhân là do sự thay đổi các yếu tố môi trường, nhất là nguồn nước. Các nhà khoa học cho biết, môi trường không cam tâm gánh chịu sự ô nhiễm nặng nề mà ngành thủy sản trút lên, bởi nó sẽ tác động ngược lại cho con cá nuôi, bằng hàng loạt dịch bệnh. Mỗi khi thủy sản nuôi mắc bệnh, nông dân lại hay sử dụng thuốc kháng sinh điều trị, dẫn đến sản phẩm chứa dư lượng kháng sinh mà nhiều nước nhập khẩu rất dị ứng và tẩy chay. Năm 2013 và đầu năm 2014, Nga cấm nhập khẩu cá tra Việt Nam vì phát hiện kháng sinh. Cũng chính vì thế, ngày càng có nhiều thị trường đòi hỏi phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm cá tra từ khâu sản xuất giống.

 

Cấp bách

Trong quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020 vừa được phê duyệt, nội dung hàng đầu là về con giống. Sau khi tính toán nhu cầu con giống năm 2015 khoảng 3 tỷ con, năm 2020 khoảng 3,5 tỷ con, quy hoạch xác định “sản xuất cá bột nòng cốt là Trung tâm giống thủy sản các tỉnh và các trại sản xuất giống cá tra ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang”.

Về các giải pháp thực hiện, nội dung được đề cập đầu tiên là “Sản xuất giống”. Quy hoạch yêu cầu: “Hoàn thiện nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất giống cá tra có tính trạng di truyền chọn lọc có khả năng tăng trưởng cao, kháng bệnh”. Ở phần này, quy hoạch tiếp tục nhấn mạnh vị trí của trung tâm giống ở các địa phương: “Nâng cấp và đầu tư các Trung tâm giống quốc gia ở vùng ĐBSCL nhằm nghiên cứu chọn tạo giống cá tra có chất lượng cao, kháng bệnh”.

Về các dự án ưu tiên đầu tư nêu ra trong quy hoạch, hàng đầu cũng là: “Chương trình nâng cao chất lượng giống cá tra”. Tiếp theo mới là các dự án xây dựng hệ thống thống kê chính xác, hỗ trợ quảng bá thương hiệu, đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng nuôi tập trung và phát triển sản phẩm mới từ cá tra.

Quan điểm phát triển ngành cá tra của bản quy hoạch, trước hết đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, kế đó là lợi ích của các cá nhân và tổ chức sản xuất giống. Quy hoạch viết rõ: “Đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất giống, nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra và nhà nước”.

>> Tính đến nay, ĐBSCL có gần 200 trang trại sinh sản cá bột và trên 4.000 hộ ương cá giống. Tuy nhiên, chất lượng con giống cá tra đang xuống rất thấp, do hầu hết các cơ sở sản xuất sử dụng cá bố mẹ chọn từ cá thịt, khiến con giống bị thoái hóa.     

Hòa Hội - Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!