Giống khó “bó” nghề nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Việt Nam đã hình thành và sản xuất có hiệu quả nghề tôm hùm. Tuy nhiên, nguồn giống phục vụ nhu cầu nuôi tôm hùm còn hạn hẹp.

Tiềm năng

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thúy, nguyên trưởng phòng Thông tin Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, cả nước có khoảng 43.000 lồng nuôi, sản lượng 1.500 – 2.000 tấn/năm, mang lại thu nhập hàng trăm triệu USD/năm cho nhiều hộ nuôi. Việt Nam là một trong số ít nước phát triển nghề nuôi tôm hùm thương phẩm, mang lại hiệu quả cao, nhưng đang phải đối diện tình trạng khan hiếm con giống do chúng ta chưa sản xuất được trong môi trường nhân tạo mà hoàn toàn phụ thuộc tự nhiên.

Cả nước mỗi năm khai thác được 7,5 – 9 triệu con tôm hùm giống ngoài tự nhiên nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu người nuôi nên giá tôm hùm giống rất cao, có năm đến 350.000 – 400.000 đồng/con và buộc phải nhập khẩu tôm hùm giống. Chưa sản xuất được giống nhân tạo, là khó khăn lớn nhất của nghề nuôi tôm hùm; người nuôi chỉ dựa vào con giống khai thác từ tự nhiên và nhập khẩu. Việc khai thác giống và nuôi thương phẩm chưa được quản lý chặt…

sử dụng rạn nhân tạo bẫy tôm hùm giống

Người nuôi sử dụng rạn nhân tạo bẫy tôm hùm giống – Ảnh: Tiến Dũng

 

Tạo đà phát triển

Từ đầu năm 2009, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã bố trí 33 lồng nuôi tôm tại vùng biển Vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, đưa gần 300 con tôm hùm bông kích cỡ 600 g vào nuôi dưỡng với tỷ lệ đực cái 50%. Tôm hùm bố mẹ thành thục, mang trứng trong điều kiện nuôi nhốt và có được những phôi đầu tiên, là tín hiệu đáng mừng trong nghiên cứu sinh sản nhân tạo tôm hùm ở Việt Nam. Những phôi tôm hùm hiện đã được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho ấp nở thành ấu trùng và đưa về khu sản xuất thử nghiệm của Viện để nghiên cứu phát triển thành con giống, làm cơ sở cho việc sản xuất giống nhân tạo tôm hùm thời gian tới.

Đầu năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III tiếp tục thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học ấu trùng tôm hùm bông, làm cơ sở cho việc tạo công nghệ sản xuất giống”. Đây là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thành công phôi, ấu trùng nhân tạo.

Tuy nhiên, để sản xuất được giống tôm hùm cần có chiến lược dài hơi, trong đó ít nhất có sự đầu tư thích đáng về trang thiết bị và cần có thêm những đề tài nghiên cứu cho từng giai đoạn từ khi chọn đàn bố mẹ đến tôm đẻ trứng, các giai đoạn phát triển của ấu trùng…

Bà Nguyễn Thị Bích Thúy cho biết, việc chủ động được nguồn giống tôm hùm là rất cần thiết trong tình hình hiện nay, bởi nguồn giống nhập về rất đắt; cùng với đó là việc không kiểm soát được chất lượng. Trong khi đó Việt Nam chưa có nhiều điều tra chuyên sâu về giống tôm trong nước. Thời gian tới, Nhà nước cần đầu tư dài hơi hơn cho nghiên cứu sản xuất tôm hùm giống, hợp tác với các nước khác về công nghệ; cùng đó là những cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho nghiên cứu phát triển con giống. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ nghiên cứu có đam mê, trình độ để thực hiện việc nghiên cứu và sản xuất giống hiệu quả.

Thời gian tới, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, chúng ta cần: Tiếp tục nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo tôm hùm, trên cơ sở rà soát, kế thừa các nghiên cứu khoa học trước, tranh thủ sự hợp tác quốc tế, đặc biệt có sự hợp tác và liên kết với doanh nghiệp để có sản phẩm thương mại; Nghiên cứu môi trường và nguồn lợi tôm hùm, trong đó chú trọng bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống; Tiếp tục nghiên cứu xây dựng quy trình ương giống tôm hùm bông, nâng cao tỷ lệ sống, giảm tỷ lệ hao hụt; Kiểm dịch và giám sát chất lượng nguồn giống tôm hùm nhập khẩu.

>> Quy trình sản xuất tôm hùm giống phức tạp, nhiều giai đoạn khác nhau, bởi tôm hùm có chu kỳ biến thái ấu trùng dài khoảng 120 ngày, dài nhất trong các loài giáp xác nhiệt đới. Để sản xuất được giống tôm hùm, chúng ta phải hoàn thành 5 quy trình kỹ thuật: nuôi tôm thành thục sinh dục; sản xuất thức ăn tươi sống; sản xuất thức ăn tổng hợp; ương nuôi ấu trùng; quản lý môi trường nuôi và bệnh.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!