Giữ môi trường xanh, thâm canh bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là chủ đề kinh doanh năm 2020 của Công ty TNHH NAN Biotech; đây cũng là ý tưởng mà NAN Biotech sẽ giới thiệu tại VietShrimp 2020. Ông Nguyễn Xuân Ngân, Giám đốc thương mại Công ty TNHH NAN Biotech đã có những chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm bền vững, nâng cao giá trị tôm thương phẩm cùng những dự định của NAN Biotech trước thềm VietShrimp 2020.

Từ thực tế nuôi tôm có thể thấy, để nuôi tôm thắng lợi thì việc tập trung vào kiểm soát dịch bệnh là yếu tố hàng đầu. Để khắc phục được vấn đề này một cách dài lâu và bền vững, theo ông cần những giải pháp gì? 

Nhiều năm công tác trên thị trường, tiếp xúc với nhiều đại lý và hộ nuôi tôm, tôi thấy, đối với các hộ dân nuôi ao đất thì dễ dàng thấy rõ chất lượng ngày càng đi xuống của môi trường nuôi. Các ao đất sau một thời gian nuôi tôm, dù có cải tạo tốt cách mấy thì môi trường nước cũng ngày một xấu, nguy cơ dịch bệnh ngày càng gia tăng và năng suất không còn như ban đầu nữa nên dần dần phải nghỉ nuôi tôm hoặc đầu tư nâng cấp lên ao bạt. Nguyên nhân, vì mầm bệnh ngày càng tích tụ trong ao nuôi, việc lạm dụng kháng sinh, hóa chất… làm các vi khuẩn, virus ngày càng kháng thuốc và không có tác dụng hiệu quả nữa.  

Điều này có thể được khắc phục bằng cách chuyển sang nuôi ao bạt để kiểm soát môi trường nước và dịch bệnh tốt hơn; thêm vào đó, hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh, trừ những trường hợp bất khả kháng như nảy sinh dịch bệnh. Thay vào đó nên sử dụng các biện pháp xử lý nước và môi trường nuôi một cách bền vững và an toàn như sử dụng vi sinh xử lý nước, yucca… để kiểm soát vi khuẩn có hại, cặn hữu cơ lơ lửng và khí độc trong ao.  

Ngoài ra cần kết hợp với quản lý ao nuôi tốt: Xử lý sục khí, xi phông định kỳ, phòng tránh mầm bệnh tạp nhiễm từ bên ngoài như diệt cua cá tạp, ngăn chim trời và chuột xâm nhập ao nuôi…. 

Ảnh: Hiếu Nghĩa

Bên cạnh các vấn đề tác động từ bên ngoài, thì có biện pháp cải thiện nào đến từ bên trong như nâng cao sức khỏe con tôm để tăng tỷ lệ sống, tôm mau lớn và bán được giá không? 

Bên cạnh các biện pháp như sử dụng thêm chất dẫn dụ áo ngoài, vi sinh xử lý nước… để tăng lượng ăn vào, cải thiện chất lượng hệ tiêu hóa, hiện nay xu hướng nuôi tôm đang chú trọng sử dụng những nguyên liệu chức năng như đạm thủy phân giúp tiêu hóa tốt, men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, các loại thảo dược phòng trị gan tuỵ, khoáng hữu cơ tăng cường sức khỏe, đề kháng và kích thích tôm lột xác… Đó là những nguyên liệu phục vụ cho việc nâng cao sức khỏe, hệ miễn dịch, lấy đó làm nền tảng để phát triển sức khỏe con tôm. 

Vậy khi đến với VietShrimp 2020, Công ty TNHH NAN Biotech có ý tưởng gì đột phá không, thưa ông? 

Xác định tôn chỉ kinh doanh của Công ty là đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh doanh bền vững, NAN Biotech – một công ty trực thuộc Tập đoàn NAN Group vận hành công cuộc kinh doanh xoay quanh 4 trọng tâm: Tự nhiên và hữu cơ; tận dụng phụ phẩm giảm thiểu lãng phí tài nguyên; đổi mới sáng tạo dựa trên khoa học công nghệ và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm hoàn chỉnh hướng đến vật nuôi, cây trồng, con người và môi trường sống.

Dựa trên các giá trị cốt lõi đó, Công ty đưa ra 4 dòng sản phẩm đạm thủy phân tăng trọng, men vi sinh đường ruột, vi sinh xử lý nước và yucca xử lý nước từ nguyên liệu tự nhiên; góp phần giảm thiểu sử dụng kháng sinh và hóa chất, giúp nâng cao chất lượng tôm thương phẩm và vị thế chung của con tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.  

Song song với hướng đi đó, trong năm 2020, Nan Biotech dự kiến đưa ra thị trường các chương trình đồng hành cùng bà con bảo vệ môi trường để hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Chẳng hạn như chương trình thu gom chai nhựa đổi lấy sản phẩm, chương trình tặng túi vải thay thế túi nylon cho người dân… để tiến tới giảm thiểu rác thải khó tiêu hủy trong ngành công nghiệp nuôi tôm.  


Quý Công ty có kỳ vọng gì ở VietShrimp 2020? 

Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp trong ngành cùng chung tay tuyên truyền vận động bà con giảm thiểu, tiến đến bỏ sử dụng kháng sinh, không chạy theo các biện pháp nuôi trồng mang tính ăn xổi ở thì, để nâng cao mặt bằng chung chất lượng của con tôm Việt Nam. Có như vậy thì việc xuất khẩu tôm mới được ổn định, không bị lệ thuộc vào một vài thị trường nhập khẩu hay một vài doanh nghiệp… 

Trân trọng cảm ơn ông! 

 >> Ông Nguyễn Xuân Ngân cho biết: “Bốn vấn đề cốt lõi mà ngành công nghiệp nuôi tôm trên thế giới đang tập trung là: Kiểm soát tốt dịch bệnh; luôn duy trì tốt sức khỏe con tôm; tối ưu chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng tôm thương phẩm. Hoàn thiện tốt 4 mặt này, việc nuôi tôm sẽ luôn thắng lợi”.

PV (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!