T2, 06/07/2020 01:17

Giúp ngư dân yên tâm vươn khơi

Chưa có đánh giá về bài viết

Khai thác đóng vai trò quan trọng của ngành thủy sản nói riêng và cả nước nói chung. Việc đảm bảo an toàn cho ngư dân khi sản xuất trên biển là điều rất quan trọng, giúp ngư dân an tâm vươn khơi.


Ngư dân cần được cung cấp các thông tin về tình hình trên biển chính xác, kịp thời để yên tâm ra khơi

Nhiều nguy hiểm

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân gặp nạn khi khai thác trên biển. Điển hình như vụ việc xảy ra hồi tháng 7 tại Quảng Ninh, khi tàu cá cùng 7 ngư dân bị một tàu vận tải tông chìm trong đêm. Lực lượng chức năng cứu được 4 ngư dân, 3 người còn lại mất tích. Cụ thể, tàu cá Hải Phòng lúc đang di chuyển tới khu vực âu tàu Cô Tô tránh gió thì gặp dông lốc nên phải thả neo cách Cô Tô khoảng 8 hải lý. Vừa thả neo thì bất ngờ bị tàu vận tải không rõ số hiệu tông trúng và bị chìm, 7 người trên tàu bị rơi xuống biển. Một tai họa khác thường xuyên là nỗi khiếp sợ cho ngư dân khi khai thác trên biển là tình trạng bị tàu lạ tấn công, đánh chìm, cướp phá ngư lưới cụ.

Cụ thể, ngày 7/8, thông tin từ Hội Nghề cá Quảng Ngãi, tàu cá QNg 90546 TS của ông Trịnh Văn Vinh làm chủ tàu, kiêm thuyền trưởng, ở tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn khi đang hành nghề lặn bắt hải sản đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 46101 đâm chìm tại tọa độ 16031’N – 112038’E thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Tất cả các thuyền viên được vớt an toàn, còn tàu cá bị chìm. Trước đó, ngày 3/8/2018, tàu cá QNg 90659 TS do ông Võ Tấn Ảnh làm chủ, ông Võ Văn Tân làm thuyền trưởng khi đang hoạt động tại ngư trường vùng biển Hoàng Sa đã bị tàu Trung Quốc màu trắng mang số hiệu 46101 cố tình đâm va và cướp phá tài sản, ước tính bị thiệt hại khoảng 300 triệu đồng…

Phối hợp hỗ trợ

Để giảm thiểu những tình huống xấu xảy ra, theo các chuyên gia, tại các địa phương, Thanh tra chuyên ngành Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng nên tăng cường mở đợt kiểm tra về điều kiện đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác trên biển. Lồng ghép chương trình tập huấn với các buổi giao lưu văn nghệ hay chương trình hỗ trợ ngư dân để dễ tiếp thu. Phân loại chi tiết số lượng tàu thuyền và số lao động làm việc trên tàu cá để phục vụ công tác thông tin, gọi tàu, thuyền khi có thiên tai xảy ra, nhất là tàu có công suất lớn hơn 90 CV. Trong những ngày có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra, tổ chức trực ban 24/24 giờ, tiếp nhận các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, các ngành có thẩm quyền để phối hợp triển khai phương án phòng tránh một cách hiệu quả nhất.

Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, một trong những vấn đề cần bàn tới là sự liên kết giữa cơ quan chức năng và ngư dân ở cả trên bờ và trên biển, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân. Ngư dân cần được cung cấp các thông tin về tình hình trên biển chính xác, kịp thời để yên tâm ra khơi. Cùng đó, cần có các biện pháp bảo hộ kịp thời, thông tin liên lạc thông suốt với các đơn vị chức năng để nhanh chóng cứu hộ, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho họ.

>> Ông Hà Vân Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh chia sẻ: Ngư dân trong các chuyến khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ cần tổ chức theo tổ đội, chủ động liên kết giữa các tàu cá, thông tin liên lạc thường xuyên. Song song đó, khi gặp sự cố ngư dân cần phải thông báo kịp thời về bờ với các cơ quan chức năng tại địa phương. Chỉ như vậy mới tạo nên phòng tuyến vững chắc, giúp ngư dân thực sự yên tâm vươn khơi sản xuất và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Minh Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!