T2, 06/07/2020 02:00

Glucose tăng tỷ lệ sống cho sò huyết giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Bổ sung glucose với các hàm lượng khác nhau vào nước biển trong quá trình vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và hao hụt khối lượng của sò huyết giống.

Đặc điểm

Sò huyết (Anadara granosa) là loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ, sống ở vùng trung triều ven biển và các đầm phá… ở độ sâu 1 – 2 m so với mặt nước. Sò huyết có giá trị dinh dưỡng cao, bổ máu, được chế biến thành nhiều món ăn có tác dụng chữa bệnh tốt như tăng huyết áp, suy nhược cơ thể, lao phổi.

Sò huyết là loài động vật thân mềm quan trọng đối với nghề nuôi thủy sản ở ĐBSCL. Hiện, nguồn giống sò huyết phục vụ cho các mô hình nuôi chủ yếu khai thác từ tự nhiên và sò huyết có nguồn gốc từ sản xuất nhân tạo hầu như chưa có. Tuy nhiên, quá trình thu hoạch và bảo quản sò giống thường mất nhiều thời gian trước khi được vận chuyển và cung cấp cho người nuôi. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lương con giống. Vì vậy, cần phải có các biện pháp đảm bảo tỷ lệ sống và sức đề kháng của sò giống trong quá trình vận chuyển. 

Kết quả nghiên cứu của Uchida et al. (2010) về việc bổ sung đường glucose, maltopentaose và pullalan vào hệ thống ương nghêu Ruditapes philippinarum cho thấy, chúng hấp thu glucose và chất này góp phần vào tăng trưởng cũng như tăng hàm lượng các axit hữu cơ trong cơ thể nghêu. Trên cơ sở này, một nghiên cứu của Ngô Thị Thu Thảo đã được thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của việc bổ sung glucose đến tỷ lệ sống và hao hụt khối lượng của sò huyết giống khi vận chuyển.

 

Phương pháp thực hiện 

Thí nghiệm được thực hiện trên sò huyết giống với kích thước nhỏ (9,73 ± 0,95 mm) và lớn (15,85 ± 1,04 mm). Sò huyết được bố trí trong các rổ nhựa (12 con/rổ, 3 rổ/nghiệm thức) và phun nước biển 25‰ để giữ ẩm trong vòng 5 ngày, rổ sò được đặt trong các bể composite và được giữ ẩm bằng cách phun nước 4 giờ/lần.

Nghiệm thức 1 (NT1): phun nước biển 25‰ (NB)

Nghiệm thức 2 (NT2): phun nước biển 25‰ pha thêm glucose với hàm lượng 50 mg/L (NB + G50)

 Nghiệm thức 3 (NT3): 75 mg/L (NB + G70)

 Nghiệm thức 4 (NT4): 100 mg/L (NB + G100). 

Sau đó, sò giống được thả vào các rổ nhựa (diện tích khoảng 0,045 m2) và đặt trong bể nuôi ở độ mặn 25‰ trong 21 ngày. Hàng ngày, sò được cho ăn bằng tảo Chaetoceros một lần vào lúc 7 – 8 giờ sáng. Bể nuôi có đáy cát dày 10 cm, sục khí liên tục và nước được thay mới 1 lần/tuần.

 

Kết quả

Kết thúc thí nghiệm, kết quả cho thấy tỷ lệ sống của sò nhỏ đạt cao nhất ở NT4, tương ứng 91,6%; sò lớn ở NT2, tương ứng 36,1%. 

Sau 5 ngày vận chuyển, khối lượng hao hụt của sò thấp nhất ở NT2 (sò nhỏ: 7,73% và sò lớn: 5,17%)

Sau 21 ngày nuôi, tỷ lệ sống của sò huyết giống nhỏ ở các NT2, NT3, NT4  dao động 75,5 – 80,6%, cao hơn rất rõ so với NT1 và tăng 0,07 g so với ban đầu. Trong khi đó, sò lớn tăng trưởng khối lượng cao nhất ở NT2 (tăng 0,09 g).

Kết quả từ nghiên cứu cho thấy, người nuôi có thể phun nước biển 25‰ kết hợp với glucose với lượng 50 – 100 mg/lít để giữ ẩm cho sò huyết trong quá trình vận chuyển. Việc làm này giúp hạn chế tình trạng hao hụt, đồng thời nâng cao tỷ lệ sống của sò giống nhỏ trong quá trình bảo quản và giai đoạn mới thả nuôi.     

Lê Loan (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!