Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản đồng bằng sông Cửu Long

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm vực dậy và phát huy tiềm năng sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế, cần đánh giá xác đáng về tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để có cơ chế chính sách thông thoáng cho các doanh nghiệp, cũng là cơ sở để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những quyết sách hợp lý, đúng thời điểm.

Gỡ vấn đề “đầu tiên”

Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thiếu điều kiện vay vốn theo cơ chế hiện hành như: Không có vốn tham gia đối ứng, tài sản bảo đảm của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ. Do đó, ngân hàng không thể cho doanh nghiệp vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của doanh nghiệp. Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 07/2016/TT-NHNN ngày 27-5-2016 sửa đổi Thông tư 24/2015/TT-NHNN ngày 8-12-2015 và có hiệu lực từ ngày 1-6-2016 đã tháo gỡ được khó khăn ngắn hạn về chi phí lãi vay cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, cơ chế cho vay bằng USD theo quy định hiện hành chỉ cho vay đối với các khách hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Với cơ chế này, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có thị trường xuất khẩu chính không thu về USD (như thị trường Trung Quốc) rất lo lắng. Các doanh nghiệp này sẽ kém cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khác do không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi (lãi suất cho vay bằng USD thấp hơn lãi suất cho vay bằng VND).

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cafatex Nguyễn Văn Kịch cho rằng trong một khoảng thời gian, việc không cho doanh nghiệp vay ngoại tệ (USD) vì sợ đô-la hóa nền kinh tế là cách nghĩ sai lầm. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản muốn vay USD vì cần lãi suất ổn định (vượt qua áp lực chênh lệch giữa tiền Việt Nam với USD) để cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kéo dài thời hạn cho phép vay vốn bằng ngoại tệ đối với các dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua biên giới trong năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-6-2016) là một cải cách đáng mừng, căn cứ vào thực tế của hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Ngươi ca mau thu hoach tom the chan trang

Người dân Cà Mau thu hoạch tôm thẻ chân trắng

Linh hoạt trong hỗ trợ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi kiến nghị Chính phủ xem xét chính sách hỗ trợ gói tín dụng ưu đãi để doanh nghiệp thu mua tạm trữ tôm kịp thời, khi thị trường biến động mạnh như vừa qua (có thể áp dụng giống như gói hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo). Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn lưu động (không chủ động về vốn trong kinh doanh), không đủ vốn để phục vụ sản xuất, nhất là thời điểm giá xuống không thể trữ hàng để chờ giá lên như hiện nay, cho nên đánh mất cơ hội phục hồi và phát triển. Đề xuất các ngân hàng xem xét nới rộng mức dư nợ tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản (các doanh nghiệp sẽ lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh khả thi, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, tiết kiệm, trả nợ đúng hạn, có sự giám sát chặt chẽ từ ngân hàng và cơ quan chức năng), ông Lâm Văn Bi nhấn mạnh: Thực tế phần lớn doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trong tỉnh hiện nay đều hy vọng có thể tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ phía ngân hàng, nhưng các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp kinh doanh, cho nên việc các công ty thủy sản chưa có phương án hoặc các hình thức khác bảo đảm việc trả nợ sẽ khó để được ngân hàng xem xét nâng hạn mức hoặc khoanh nợ cho vay mới.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Doanh nghiệp thủy sản Út Xi Triệu Văn Dõng cho rằng, các tổ chức tín dụng đã đánh giá ngành hàng thủy sản rất nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, thời gian qua lại xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật tại các doanh nghiệp thủy sản tại Tây Nam Bộ, cho nên các tổ chức tín dụng không mạnh dạn cho vay như trước. Từ năm 2012, trước những vụ việc nêu trên, ngân hàng rút vốn của công ty từ 1.365 tỷ đồng xuống còn 685 tỷ đồng. Chúng tôi hoàn toàn không buông xuôi, tự mình phải vươn lên cứu mình.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các nhà máy thủy sản tại Tây Nam Bộ nói chung, Sóc Trăng nói riêng, với đa số công nhân là đồng bào dân tộc Khmer, bởi vậy nếu được ngân hàng tài trợ và giúp đỡ về nguồn vốn thì các doanh nghiệp sẽ tạo nên nguồn thu lớn cho ngân sách và giải quyết đáng kể việc làm cho người lao động địa phương.

 

Lưu Quốc Thắng-Hữu Tùng

Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!