T2, 06/07/2020 01:46

Gỡ khó cho ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019), việc tàu cá được phép đánh bắt xa bờ hay không được quy định dựa trên chiều dài thân tàu thay vì công suất như trước đây đang khiến hàng nghìn ngư dân gặp khó khăn khi hành nghề.

Ngư dân Quảng Ngãi làm lễ “mở biển” ra khơi đánh bắt hải sản.  Ảnh: Hoàng Anh Trần

Cụ thể tại Điều 43, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản có quy định: Đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, chỉ hoạt hoạt động tại vùng khơi, không được đánh bắt tại vùng ven bờ và vùng lộng; tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m chỉ được phép hoạt động ở tuyến lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ; tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m chỉ hoạt động tại vùng ven bờ. 

Quy định trên, vô hình trung đẩy 3.513 tàu cá trên tổng số 35.054 tàu cá có công suất máy trên 90CV nhưng có chiều dài dưới 15m buộc phải nằm bờ, bởi các tàu này muốn chuyển đổi nghề hoặc chuyển đổi vùng khai thác cũng gặp khó khăn do việc hoán cải, thay đổi kích thước và mua, bán tàu cá có chiều dài dưới 15m bị tạm dừng từ tháng 3-2019.

Ngoài ra, tất cả các tàu hoạt động sai vùng, sai tuyến, sai nghề sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 5-7-2019. Những bất cập trên đã ảnh hưởng đến sinh kế của hàng nghìn gia đình.

Trước hết phải khẳng định: Việc xây dựng quy định mới là phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và kiểm soát hoạt động nghề cá theo hướng bền vững, đồng thời hạn chế việc đánh bắt, khai thác phương hại đến nguồn lợi thủy sản. Trên thực tế, các khảo sát cho thấy, tàu dài 15m trở lên khi khai thác vùng khơi gặp bão và sóng lớn có hệ số an toàn tốt hơn các tàu ngắn hơn 15m.

Tuy nhiên, quy định trên vấp phải phản ứng từ lãnh đạo một số địa phương và ngư dân vì không phù hợp với thực tế nghề cá. Vấn đề nổi cộm nhất là các tàu đang hoạt động các nghề ở vùng khơi như câu, vây, câu cá ngừ đại dương… nếu chuyển vào hoạt động ở vùng lộng sẽ không phù hợp và không có hiệu quả, rất lãng phí. Ngược lại, nhiều tàu dài trên 15m nhưng công suất rất nhỏ chỉ có thể khai thác thủy sản ở gần bờ. Nếu phải đánh bắt ở vùng khơi, sẽ hết sức nguy hiểm vì không đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, nguồn lợi thủy sản ven bờ đã suy giảm nghiêm trọng, nếu để các tàu có công suất lớn nhưng không đủ chiều dài đánh bắt gần bờ sẽ gây áp lực lớn đến việc phục hồi nguồn lợi thủy sản của các ngư trường. Chưa kể, bấy lâu nay tất cả tàu cá trên 90CV đều vươn khơi xa, với ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa… không chỉ đánh bắt hải sản, mà còn có nhiệm vụ canh giữ chủ quyền trên biển.

Sau nhiều tranh luận, số phận 3.513 tàu cá không được vươn khơi vì thiếu chiều dài thân tàu mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ bằng văn bản cho phép ngư dân thực hiện cải hoán, thay đổi chiều dài, công suất tàu. Căn cứ tình hình thực tế, nhu cầu của chủ tàu, được chuyển đổi nghề sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản. Cơ quan chức năng tiến hành cấp giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu khi tàu đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi theo quy định.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019. Cấp hạn ngạch khai thác cũng là một biện pháp đáp ứng một trong những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu và các Tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc tế nhằm phát triển nghề cá theo hướng bền vững, hội nhập quốc tế.

Thanh Thảo

Theo Báo Biên Phòng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!