Gỡ khó nhờ cá mú chấm đen

Chưa có đánh giá về bài viết

Không thể tiếp tục đi biển, anh Trương Ngọc Kinh (43 tuổi, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đầu tư nuôi cá mú chấm đen, thu lãi lớn.

Bỏ biển, theo sông…

Là một ngư dân với kinh nghiệm hơn 10 năm đi biển, phải tạm biệt ngư trường Hoàng Sa, Trương Ngọc Kinh không khỏi day dứt: “Nếu tôi không bị liệt đôi chân này vì lặn biển thì đến bây giờ tôi vẫn bám biển”.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, anh ngậm ngùi tiếc: “Tôi đi lặn biển gần 10 năm trời, đôi chân đã liệt do thường xuyên dưới nước. Mà đi biển thì có tiền hơn…”. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Huyên cho biết: “Sau khi chồng tôi bị như thế, tôi và chồng vẫn đi biển một thời gian trước khi nuôi cá, cứ chồng chèo ghe, vợ đánh lưới rồi cũng kéo cá lên. Mình đi ghe nhỏ, đi gần chứ không đi xa…”. Từ đó, ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ chiều, chị Huyên cùng chồng lại ra ghe, đi cho đến gần sáng. Hầu như không được ngủ; đi ghe có cá, tôm gì, chị lại tất bật mang ra bán cho kịp chợ. Tan tầm, lại về lo đàn heo để kiếm thêm tiền.

Thấy cuộc sống quá khổ, nheo nhóc 3 đứa con, chị và anh quyết định chuyển nghề sang nuôi cá mú thương phẩm. Anh Kinh nói: “Nếu không nuôi cá mú, chỉ đi ghe, tôi sẽ không nuôi nổi 2 đứa con đang học lớp 9, và lớp 4, đứa lớn đã nghỉ học lớp 12 để về làm với gia đình”.

Tận dụng khúc sông Đầm có mạch nước thủy triều, năm 2003, anh Kinh đầu tư 3 lồng, mỗi lồng 2 m2, thả nuôi 400 – 500 con cá mú. Năm đầu tiên, anh thu lại được hơn 100 triệu đồng. Học hỏi qua báo chí và kinh nghiệm từ những người đã nuôi trước đó, anh quyết định mở rộng đầu tư nuôi cá mú.

 

Làm giàu nhờ cá mú

Sông Đầm nằm gần biển, nước thủy triều lên xuống. Cá mú vốn là loài ưa mặn, dễ nuôi, nên đây là môi trường thích hợp để cá phát triển. Anh Kinh kể: “Vì cá mú ưa mặn nên mỗi khi mưa lớn, nước lụt, nước ngọt lấn át nước mặn, cá sẽ chết. Năm 2011, trận mưa nhiều ngày và liên tục, nước dâng, cá mú của tôi theo đó mà đi cả. Năm ấy, tôi phải bỏ tiền đầu tư nuôi lại”.

Hiện nay anh Kinh có 3 bè, mỗi bè 4 ô (mỗi ô 2 m2) và 20 lồng (mỗi lồng 2 m2) với hơn 1.000 con cá mú; các lồng được nuôi cách nhau khoảng 50 m để dễ vệ sinh bè, lồng. Nuôi cá mú theo hình thức ươm cá. Anh cho biết: Nhiều hộ nuôi cá mú, người ta mua cá trộng về, giá khoảng 30 nghìn đồng/con. Làm như thế không có lãi; mình nuôi lâu, có điều kiện ươm, cứ mua cá nhỏ về, ươm dần cho nó trộng rồi bỏ vô lồng. Bởi nuôi cá con thì vốn ít hơn.

Hằng ngày, anh cùng vợ đi ghe kiếm cá vụn cho cá mú ăn. Anh nói: “Mình đi kiếm thêm thức ăn, nhưng chủ yếu là mua, vì đi không đủ cho cá ăn”.

Về kinh nghiệm chăm sóc, theo anh, mỗi ngày cho ăn 1 lần, với 30 – 40 kg cho hơn 1.000 con cá mú; nếu ăn dư thì bữa sau cho ăn ít lại, tránh tình trạng cá bỏ ăn. Anh cho biết: Nuôi cá mú điều cần nhất là tránh thò tay, khuấy nước, bắt cá lên dò xem. Vì làm động nước, cá sợ là phải 7 – 8 ngày sau cá mới ăn lại được. Nuôi đến khi cá to gần bằng bắp chân là bán được.

Về khâu vệ sinh, lợi dụng nước thủy triều lên xuống, nên nước ở sông cũng không ô nhiễm, anh nói thêm: Nếu nuôi ở nơi không có thủy triều gần biển như vùng Bình Thuận thì phải vệ sinh hằng ngày; rác thải hay cặn thức ăn đều phải được vớt sạch khỏi lồng.

Với giá bán khoảng 300 nghìn đồng/kg cá mú, mỗi năm lãi 200 triệu đồng. Anh cho biết: Cá mú có giá bán và thị trường ổn định nên cho lãi khá. Học theo mô hình nuôi của anh Kinh, nhiều người gần khu vực sông Đầm cũng đầu tư nuôi cá mú, mang lại lợi thuận, ổn định kinh tế gia đình.

>> Cá mú sống ở biển nhiệt đới, á nhiệt đới, tập trung nhiều ở Thái Bình Dương. Việt Nam có 30 loài cá mú, trong đó 7 loài được chuộng vì có giá trị cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là cá mú vạch, mú chấm tổ ong, mú đỏ, mú hoa nâu, mú cáo, mú đen, mú mỡ.

Huyền Trang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!