Góc chuyên gia: Phòng ngừa bệnh vi bào tử trùng (Microsporidian) gây bệnh EHP trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Bệnh vi bào tử trùng Microsporidian trên tôm do ký sinh trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) gây ra. Bệnh được phát hiện nhiều năm trước, tuy nhiên bùng phát mạnh trong những năm gần đây ở các nước có ngành công nghiệp nuôi tôm phát triển như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Ấn độ…

Khi tôm bị nhiễm bệnh, chúng không gây chết tôm hàng loạt như các bệnh hoại tử gan tụy cấp nhưng lại khiến tôm chậm lớn do EHP ký sinh trong hệ thống ống gan tụy, ruột và làm cho tôm không hấp thụ được chất dinh dưỡng, tôm gầy yếu, giảm sản lượng và gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi. Để loại bỏ EHP ra khỏi hệ thống nuôi là việc làm khó trong thời điểm hiện tại, đặc biệt là khi tôm đã nhiễm bệnh. Do vậy, cách tốt nhất là các giải pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ nhiễm EHP vào trong hệ thống ao nuôi, bể ương và kiểm soát mức độ phát triển của chúng.

Bệnh vi bào tử trên tôm và vi bào tử trong gan tụy tôm

Chẩn đoán sớm

Hiện nay, biện pháp điều trị tôm bị nhiễm EHP đang gặp nhiều khó khăn và chưa có giải pháp triệt để. Do đó, phát hiện bệnh sớm để kịp thời xử lý sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại. Các trung tâm sản xuất giống nên kiểm soát tôm bố mẹ để đảm bảo tôm bố mẹ không nhiễm vi bào tử trước khi đưa vào sản xuất giống. Người nuôi tôm nên kiểm tra con giống, xét nghiệm trước khi thả nuôi. Kính hiển vi có thể sử dụng để chẩn đoán từ các mẫu mô tôm bị bệnh, tuy nhiên vi bào tử có kích thước rất bé (1,2×0,7 µm), nên quá trình chẩn đoán này gặp nhiều khó khăn và cần kinh nghiệm của người chẩn đoán. Hiện nay, công cụ phát hiện vi bào tử trong mẫu tôm bằng phương pháp PCR đang được ứng dụng rộng rãi; người nuôi tôm có thể lấy mẫu phân, gan tụy tôm hoặc tôm post để gửi đi kiểm tra.

 

Phòng bệnh

Kiểm soát thức ăn tươi sống

Thức ăn tươi sống được xem là một trong những con đường mang vi bào tử vào ao tôm, nếu nguồn thức ăn này nhiễm bào tử và sử dụng làm thức ăn cho tôm bố mẹ sẽ là nguồn lây bệnh, phát tán vào trong đàn giống. Sau khi vào ao tôm, EHP có thể phát tán trong ao nuôi theo phân và lây nhiễm sang cá thể khác trong ao. Ngoài ra, các động vật như giun nhiều tơ, giáp xác, nhuyễn thể hai mảnh, mực… làm thức ăn cho tôm bố mẹ cũng có thể mang mầm bệnh vi bào tử vào ao nuôi. Nếu được sử dụng làm nguồn thức ăn cho tôm bố mẹ, EHP sẽ dễ dàng đi vào hệ thống trại giống. Do vậy, nếu phải sử dụng thức ăn tươi sống, các loại thức ăn này phải được đảm bảo không nhiễm vi bào tử; ngoài ra theo những nghiên cứu gần nhất, bảo quản thức ăn tươi sống vào tủ đông -200C ít nhất 24h trước khi cho tôm ăn có thể giúp phá hủy các vi bào tử và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh từ nguồn thức ăn này.

 

Sát trùng dụng cụ sử dụng trong trang trại

Theo các nghiên cứu mới nhất về phương pháp diệt vi bào tử, các bào tử bị bất hoạt thì không còn khả năng gây bệnh và sẽ giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Các hóa chất sát trùng đã được thử nghiệm như Chlorine và thuốc tím đã chứng minh hiệu quả tiêu diệt vi bào tử. Do vậy các dụng cụ sử dụng trong hệ thống trại giống trước khi đưa vào sử dụng nên được phơi khô hoàn toàn, ngâm với các chất sát trùng như Chlorine 40 ppm, KMnO4 15 ppm ít nhất 15 phút, sau đó rửa sạch các chất tẩy rửa và phơi thật khô, trước và sau khi sử dụng cần nhúng qua Chlorine 200 ppm.

 

Chuẩn bị ao và quản lý ao

Phơi đáy ao, bón vôi để nâng cao pH đáy ao giúp loại bỏ vi bào tử trùng. Xử lý kỹ nước khi đưa vào ao nuôi và trước khi thả giống: sử dụng ao lắng hoặc các biện pháp để hạn chế lượng chất hữu cơ vào ao. Nguồn nước nên được khử trùng bằng KMnO4  5 ppm hoặc Chlorine 10 ppm để diệt các bào tử trong nước trước khi đưa vào ao nuôi. Thực hiện phòng bệnh tổng hợp để không đưa mầm bệnh vào vùng nuôi, áp dụng biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong quá trình nuôi.

TS Trương Đình Hoài – Phó trưởng Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!