Hà Tĩnh: Chuyện những người nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề nuôi tôm dường như đang “hút” nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh đến những người con xa quê trở về khai phá tiềm năng trên mảnh đất quê hương. Chuyện người nuôi tôm là câu chuyện đáng khâm phục về ý chí của những con người dám đương đầu với thử thách, góp sức đưa con tôm trở thành sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh.

Cán bộ tiên phong

Nguyễn Bùi Thanh Sơn (SN 1983) là kỹ sư thủy sản, hiện là Phó phòng kỹ thuật, Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) Hà Tĩnh. “Tuổi trẻ, tài cao”, đó là nhận xét của những người nuôi tôm về chàng trai trẻ, bởi anh là người tiên phong nuôi tôm trên cát ở Cẩm Xuyên.

Gặp anh tại đầm tôm thuộc thôn Bắc Hòa (xã Cẩm Hòa), chúng tôi được biết: Tốt nghiệp đại học, Sơn được nhận vào làm việc tại Sở Thủy sản, sau đó là cán bộ kỹ thuật Chi cục Thủy sản. Ước mơ trở thành hiện thực bởi kiến thức ở trường đã được sử dụng, truyền đạt cho bà con NTTS trên địa bàn tỉnh. Được đi nhiều nơi, tham quan mô hình NTTS ở các tỉnh, thành phát triển mạnh về nuôi tôm trên cát, anh nhận thấy tỉnh mình có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng lúc đó mới chỉ có chị Hạnh ở Thạch Trị (Thạch Hà), anh Dũng ở Xuân Phổ (Nghi Xuân) bắt đầu nuôi. Tâm huyết với nghề cộng với “máu” làm giàu, Sơn bàn với một cán bộ trong ngành đầu tư nuôi tôm trên cát.

Chuyện những người nuôi tôm 

Công nhân Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương thu hoạch tôm

Với nỗ lực lớn của chàng trai trẻ, 4 ao nuôi tôm trên diện tích 1 ha ở Cẩm Hòa được hình thành với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến nay, năm nào Sơn cũng thu hàng chục tấn tôm, doanh thu 4 – 5 tỷ đồng, lợi nhuận 2 tỷ đồng. “Lựa chọn vị trí quy hoạch đầu tư phù hợp, hệ thống cấp thoát nước tách biệt và chú trọng đến chất lượng con giống, môi trường ao nuôi là kinh nghiệm cho những thành công liên tiếp của mô hình” – Sơn chia sẻ. Hiện tại, anh tiếp tục đầu tư tại xã Kỳ Khang (Kỳ Anh) với diện tích 3 ha và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Cũng là cán bộ “say nghề”, ông Bùi Vĩnh Dũng – Phó Chủ tịch HĐND xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) “rủ” mấy người bạn cũ cùng học cấp 3 đầu tư nuôi tôm trên cát ngay trên địa bàn xã. Nhờ chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện và xã tạo mọi điều kiện thuận lợi, năm 2014, ông và 3 người bạn xây dựng được 9 ao nuôi với tổng số tiền đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Qua 2 vụ nuôi đầu tiên trong năm, tổ hợp tác của ông Dũng thu về hơn 8 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi 4 tỷ đồng. “Khi tôi thế chấp nhà cho ngân hàng để lấy tiền nuôi tôm, nhiều người ái ngại, nhưng chỉ sau 2 vụ, tôi đã trả hết nợ” – ông Dũng cho hay.

Thanh niên lập nghiệp

Anh Lê Sỹ Hải (SN 1976, thôn 8, Xuân Mỹ, Nghi Xuân) là “triệu phú” trẻ có trong tay hàng tỷ đồng từ sản xuất, ương dưỡng tôm giống và nuôi tôm thương phẩm. Sau khi học hết cấp 3, vì hoàn cảnh gia đình, Hải phải rời quê vào Vũng Tàu làm công nhân tại một cơ sở sản xuất tôm giống. Những ngày tháng đó đã giúp anh tích lũy nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật sản xuất tôm giống. Nhờ thông minh lại cần cù, chịu khó học hỏi, một thời gian sau, anh mạnh dạn vay vốn thành lập cơ sở sản xuất tôm giống Lê Hải. Sản phẩm của anh ngày càng chiếm lĩnh thị trường, hàng tháng, cung ứng bình quân 30 tấn tôm sú giống, mỗi năm thu về gần 1 tỷ đồng. Năm 2006, Hải nhập ngũ vào đơn vị Cụm Điệp báo 3 – trực thuộc Phòng 2, Quân khu 7. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, đầm tôm lại cuốn hút anh.

Nghi Xuân `khéo` dân vận 

Thu hoạch tôm trên cát tại xã Xuân Phổ (Nghi Xuân). Ảnh: Hoàng Long

Anh Hải cho biết: “Nhận thấy phong trào nuôi tôm ở Hà Tĩnh đang phát triển mạnh, nhu cầu tôm giống tăng cao, bên cạnh đó, tỉnh lại có nhiều chính sách ưu đãi, tôi quyết định thành lập Công ty CP Sản xuất và NTTS Hoàng Dương. Sau khi nhận 1,2 ha đất tại xã Cương Gián, tôi đầu tư gần 3,7 tỷ đồng để xây dựng khu sản xuất tôm giống và nuôi tôm thành phẩm. Quy mô khu sản xuất gồm 16 bể ương tôm giống được chuyển từ cơ sở ở Bình Thuận và 0,5 ha nuôi tôm thành phẩm”.

Mỗi năm, cơ sở của anh cung ứng hơn 20 triệu con tôm giống chất lượng cho thị trường các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, lợi nhuận trên 200 triệu đồng và tạo việc làm cho gần 10 lao động. Riêng nuôi tôm thương phẩm, mỗi năm cũng mang lại cho anh 300-500 triệu đồng tiền lãi. Hiện anh đang chuẩn bị đầu tư 35 tỷ đồng nuôi cá bơn, cá mú tại xã Xuân Liên với quy mô 5 ha.

Nghề nuôi tôm ở Hà Tĩnh còn thu hút thanh niên trẻ Trương Đăng Tiệp (SN 1985, quê Thái Bình), tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang. Năm 2012 và 2013, anh Tiệp về Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên) nuôi tôm trên ao đất trải bạt bờ cho năng suất, sản lượng khá cao; mỗi năm, thu hoạch từ 15-22 tấn tôm, doanh thu bình quân gần 3 tỷ đồng/năm. Theo anh Tiệp, có 2 yếu tố đã “kéo” anh về đất Hà Tĩnh để đầu tư nuôi tôm là tài nguyên và nguồn lợi con tôm còn dồi dào, môi trường đảm bảo. Mặt khác, chính quyền địa phương tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, đặc biệt, luôn tạo điều kiện cho thanh niên lập nghiệp, làm giàu. Hiện nay, anh tiếp tục đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trên cát ở xã Cẩm Dương, trên diện tích 3 ha với 9 ao nuôi. Mô hình của anh đã tạo việc làm cho 15 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Trong tương lai, Tiệp sẽ phát triển thêm 15 ao nuôi tôm công nghệ cao và kinh doanh thức ăn, hóa chất… phục vụ nghề nuôi tôm.

Hữu Trung

Báo Hà Tĩnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!