Hà Tĩnh: Dân bức xúc chính quyền xử phạt hồ nuôi tôm như “gãi ngứa”

Chưa có đánh giá về bài viết

Hồ nuôi tôm trên địa bàn Hà Tĩnh hoạt động đã 6 năm nhưng không hề có hệ thống xử lý nước thải.

Hồ tôm hoạt động 6 năm nhưng không có hồ xử lý nước thải

Hàng năm, hàng ngàn mét khối nước thải được “tống” thẳng ra biển mà chưa qua xử lý. Thế nhưng, chính quyền địa phương chỉ đưa ra mức xử phạt 2 triệu đồng khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc.

Xả nước thải 6 năm, chỉ phạt 2 triệu đồng

Nhiều năm qua, người dân xã Xuân Đan (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vô cùng bức xúc trước tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý của cơ sở nuôi tôm ông Nguyễn Viết Khánh (xóm Bình Phúc, xã Xuân Đan). Theo người dân, hằng năm, cơ sở nuôi tôm của ông Khánh “vô tư” xả hàng ngàn lít nước thải chưa qua xử lý ra cánh đồng lúa theo con kênh chảy thẳng ra biển khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp, cơ quan chức năng đã về kiểm tra nhưng rồi “đâu lại vào đấy”. Sau khi báo chí phản ánh, mới đây, huyện Nghi Xuân đã ra quyết định xử phạt cơ sở nuôi tôm 2 triệu đồng với lý do hồ tôm này không có hồ xử lý nước thải.

Tuy nhiên, mức xử phạt này khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc. Theo người dân, cơ sở nuôi tôm này hoạt động đã 6 năm mà không có hồ xử lý nước thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Họ cho rằng, mức xử phạt này là quá nhẹ và không đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Bá Ngọc (xóm Bình Phúc) bức xúc: “Hồ nuôi tôm này xả nước thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua nhưng chỉ xử phạt 2 triệu đồng. Mức xử phạt này thì chỉ phạt cho có lệ chứ làm sao đủ sức răn đe không chỉ cơ sở nuôi tôm này mà cả những cơ sở nuôi tôm khác trên địa bàn”.

Khi nghe về mức xử phạt đối với hành vi xả nước thải của cơ sở nuôi tôm Nguyễn Viết Khánh, ông Hóa không khỏi bất bình: “6 năm nay, hồ nuôi tôm này mỗi năm nuôi mấy vụ mà không hề có hồ xử lý nước thải. Cứ đến vụ thu hoạch là nước thải hồ tôm xả thẳng ra con kênh dẫn ra biển. Giờ cơ quan chỉ ra mức xử phạt 2 triệu đồng, tính ra mỗi năm chỉ mất khoảng hơn 300 ngàn đồng cho việc xả thải. Vậy một năm chỉ cần mất khoảng 1kg tôm là “vô tư” xả thải rồi”.

Được biết, cơ sở nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh (xóm Bình Phúc, xã Xuân Đan) được triển khai từ năm 2012 với quy mô 6 hồ, tổng diện tích 2,5ha. Điều đáng nói là cơ sở nuôi tôm này không có hồ xử lý nước thải nên nhiều năm qua nước thải được xả thẳng ra biển.

Phạt như “gãi ngứa”

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hữu Phong, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Xuân cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra huyện đã xuống kiểm tra và lập biên bản đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với cơ sở nuôi tôm của ông Nguyễn Viết Khánh vì không xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, huyện còn yêu cầu chủ hồ tôm phải khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để xây dựng hệ thống xử lý nước thải”.

Trước thắc mắc của phóng viên về việc cơ sở nuôi tôm đã hoạt động 6 năm mà chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải nhưng không bị xử phạt lỗi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường thì ông Phong cho rằng, tại thời điểm kiểm tra không phát hiện hành vi xả thải của cơ sở nuôi tôm này.

Nước thải chưa qua xử lý chảy theo đường ống dẫn ra ngoài

“Tại thời điểm kiểm tra chúng tôi chỉ phát hiện cơ sở nuôi tôm của ông Phạm Viết Khánh không có hồ xử lý nước thải chứ không phát hiện hành vi xả thải. Với lỗi vi phạm này, theo quy định mức xử phạt tối đa là 1,5 – 2 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả. Cơ sở ông Khánh đã bị xử phạt ở mức 2 triệu đồng và buộc hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải”, ông Phong nói.

Khi chúng tôi đề nghị cung cấp quyết định xử phạt đối với cơ sở nuôi tôm của ông Phạm Viết Khánh thì ông Phong từ chối: “Chúng tôi chỉ cung cấp thông tin để cơ quan báo chí biết được việc đó còn về mặt hồ sơ thì không thể cung cấp được. Hiện cơ quan chức năng đang trong quá trình theo dõi, nếu có phát hiện vi phạm sẽ tiếp tục xử phạt”.

Một cơ sở nuôi tôm đã hoạt động được 6 năm nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải. Thế nhưng cơ quan chức năng chưa một lần phát hiện được hành vi xả thải ra môi trường quả là một điều khó tin. “Tại các thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng không ghi nhận được hành vi xả thải của ông Khánh nên không thể xử lý vi phạm được. Kể cả lần kiểm tra năm 2018 và những lần trước đều không phát hiện hành vi xả thải của cơ sở này?!”, ông Phong cho biết thêm.

Dư luận đặt câu hỏi, một cơ sở nuôi tôm hoạt động suốt 6 năm nhưng không có hồ xử lý nước thải thì sẽ xử lý nước thải bằng cách nào nếu không xả ra môi trường? Tại sao hoạt động suốt 6 năm, người dân liên tục phản ánh nhưng cơ quan chức năng chưa một lần phát hiện ra hành vi xả thải của cơ sở nuôi tôm này?. Với mức xử phạt như “gãi ngứa” này thì liệu có đủ sức răn đe với những cơ sở nuôi tôm khác?

Tâm Đan

Enternew

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!