T2, 06/07/2020 12:28

Hậu Giang: Người nuôi mất ăn mất ngủ vì cá thát lát

Chưa có đánh giá về bài viết

Cùng với con cá tra, cá rô đầu vuông thì hiện không ít hộ dân nuôi cá thát lát trên địa bàn tỉnh Hậu Giang lâm vào cảnh ăn ngủ không yên, vì giá cá thát lát trên thị trường giảm sâu.

Anh Lê Hùng Cường, ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Cứ qua một ngày là giá cá thát lát thương phẩm giảm đi một ít và thấp hơn giá thành sản xuất giống như con cá tra. Bởi, hiện các thương lái thu mua cá thát lát thương phẩm chỉ còn khoảng 37.000 đồng/kg, giảm gần 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2015. Với giá này, người nuôi lỗ cả chục nghìn đồng/kg”.

Tương tự, ông Nguyễn Trung Cường, ở ấp Đông Sơn, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, buồn rầu nói: “Hơn 5 năm nuôi cá, tôi mới thấy giá cá thát lát thấp kỷ lục như thế, khoảng 36.000 đồng/kg, có khi xuống ở mức 32.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất khoảng 10.000 đồng/kg”. Song, nhận thấy giá cá thát lát không mấy khởi sắc, ông Cường đã tranh thủ liên hệ với các thương lái vào xem và bán hầm cá thát lát khoảng 1.000 m2 để tránh thua lỗ. Thế nhưng, sau khi bán 27 tấn cá thát lát thương phẩm với giá 36.000 đồng/kg, ông Cường lỗ hơn 100 triệu đồng, do kéo dài thời gian nuôi, chi phí thức ăn đội lên cao. Đồng thời, trong quá trình nuôi sản lượng cá hao hụt nhiều.

Hậu Giang: Người nuôi mất ăn mất ngủ vì cá thát lát

Gia tăng diện tích nuôi khiến giá cá thát lát giảm sâu

Có thể thấy, từ lâu, cá thát lát đã trở thành một trong những nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang và giúp cho không ít hộ dân vươn lên làm giàu. Do đó, vào năm 2015, khi cá tra và cá rô đầu vuông điêu đứng thì người dân bắt đầu chuyển sang nuôi cá thát lát với đa dạng hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh trên ao đất, lồng, vèo… Tính đến tháng 9/2016, diện tích nuôi cá thát lát trong tỉnh đạt 44 ha, tăng hơn 30 ha so cùng kỳ năm trước.

Theo anh Lê Thanh Phú, ấp Phú Nhơn, xã Đông Phú, huyện Châu Thành: “Ở đây chủ yếu nuôi cá lồng và với phong phú các loại như: điêu hồng, lóc, trê lai, thát lát… Tuy nhiên, hiện các hộ nuôi cá thát lát trên lồng vẫn còn “neo đợi” để chờ giá lên. Bởi, xuất bán ngay bây giờ chắc chắn bị thua lỗ nhiều”.

Bà Lê Kim Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hậu Giang cho rằng, cá thát lát là loại có nhiều tiềm năng phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, năm nay do người dân thả nuôi nhiều; cùng đó tại các địa phương khác như Đồng Tháp, An Giang diện tích nuôi cá thát lát cũng tăng lên. Từ đó, khiến cung vượt quá cầu nên dẫn đến hệ lụy là giá cá liên tục sụt giảm, làm người nuôi thua lỗ. “Để tránh rủi ro, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường. Đồng thời, tính toán kỹ lưỡng, tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, nhằm giảm thiểu sản lượng hao hụt không cần thiết. Quan trọng là không nên thả nuôi ồ ạt, tự phát mà làm ảnh hưởng đến kinh tế gia đình”, bà Ngọc khuyến cáo.

Bài và ảnh: Chí Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!