Hệ thống quản lý chất lượng

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày càng rõ ra, những lời giới thiệu “thủy sản sạch” là thừa, chỉ chứng tỏ sự lạc hậu của chính ngành thủy sản; bởi mọi loại thực phẩm cho con người đều phải “sạch” là yêu cầu đương nhiên của thời hiện đại. Với thủy sản, từ năm 1974, thế giới đã có khái niệm HACCP, xây dựng một hệ thống quản lý để đảm bảo kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Đến những năm 1990, HACCP được triển khai trên toàn thế giới, cũng bắt đầu vào Việt Nam.

TS Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Thủy sản, giải thích ưu thế lớn nhất của hệ thống HACCP: “Tạo ra một phương thức để chủ động bảo đảm an toàn chất lượng, chủ động ngăn chặn có tính hệ thống, có cấu trúc chặt chẽ, hợp lý và tổng hợp nhiều kiến thức”. Ở hệ thống này, người làm ra sản phẩm và người kiểm soát chất lượng đồng hành trong suốt quá trình sản xuất, một cách bình đẳng và dân chủ. Không chỉ quan tâm nguyên liệu mà còn quan tâm cả điều kiện làm ra sản phẩm. Trách nhiệm với chất lượng sản phẩm cả ở quản lý doanh nghiệp, ngành và quốc gia.

Thực trạng ở nước ta đang loay hoay với các mối “liên kết” của chuỗi sản phẩm cho thấy sự lạc hậu khá xa so với yêu cầu của thị trường toàn cầu hoá. Báo cáo của NAFIQAD cho biết, năm 2014, vấn đề ATVSTP trong nước vẫn chưa kiểm soát được, gây lo lắng cho người tiêu dùng. Riêng lĩnh vực thủy sản, NAFIQAD kiểm tra 61.217 lô hàng, trong đó kiểm tra theo yêu cầu của nước nhập khẩu 26.703 lô. Kết quả, “số lô hàng xuất khẩu bị thị trường (EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga) cảnh báo tăng mạnh do dư lượng kháng sinh, vi sinh”. Cục trưởng NAFIQAD Nguyễn Như Tiệp kêu lên: “Năm 2014 là một năm gay gắt và khó khăn trong công tác thanh tra kiểm soát chất lượng”.

Hiện nay, một số doanh nghiệp chế biến thủy sản và cơ sở nuôi trồng thủy sản đã xây dựng được những quy trình kỹ thuật đảm bảo sản phẩm có chất lượng cao, ATVSTP. Chẳng hạn, Hợp tác xã Hòa Nghĩa ở xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) với 17 xã viên nuôi 53 ha, suốt 10 năm nay không để bị dịch bệnh. Nước ta năm 2014 cũng đã có 44 nhà máy chế biến, 34 trại nuôi, 5 nhà máy thức ăn và 7 trại tôm giống được chứng nhận BAP. Các tiêu chuẩn chứng nhận BAP hướng đến hoạt động nuôi thủy sản theo phương thức bền vững và có trách nhiệm xã hội.

Vấn đề lớn nhất hiện nay của ngành thủy sản là liên kết các quy trình kỹ thuật có chất lượng để xây dựng hệ thống bền vững quốc gia. Năm 2015 đã được Bộ NN&PTNT xác định là năm hành động về ATVSTP. Với mục tiêu thủy sản tăng trưởng 6 – 6,5% so năm 2014, Bộ NN&PNT cũng chỉ đạo tăng cường hợp tác quốc tế và đào tạo nhân lực để đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập.

Có nhiều việc phải làm, nhưng theo TS Tạ Quang Ngọc thì “tính dân chủ trong quản lý là một đặc điểm lớn cần phải kể tới, khi vận hành một hệ thống quản lý chất lượng”. Vai trò chủ động của các doanh nghiệp chế biến thủy sản là nhân tố tạo ra sự bình đẳng và dân chủ. TS Ngọc nhấn mạnh việc “đổi mới quản lý nhà nước và xã hội hoá các công việc quản lý”.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!