T2, 06/07/2020 12:33

Hiệu quả máy thông tin liên lạc trên tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, ngư dân tỉnh Tiền Giang cũng chú trọng đầu tư cải hoán, đóng mới, nâng công suất tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và lắp đặt các thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động khai thác thủy sản.

Trang thiết bị liên lạc trên tàu hỗ trợ ngư dân khai thác

Trang thiết bị liên lạc trên tàu hỗ trợ ngư dân khai thác 

Hiện, hầu hết các tàu cá khai thác thủy sản xa bờ đều được trang bị máy bộ đàm liên lạc tầm xa ICOM cùng một số trang thiết bị hiện đại phục vụ thông tin liên lạc trên biển với đất liền. Nhờ vậy, việc liên lạc giữa ngư dân với ngư dân trên biển, ngư dân với gia đình và ngư dân với các trạm bờ trên đất liền rất thuận lợi.

Tỉnh cũng đã đồng hành, trợ lực cho ngư dân trong kết nối thông tin liên lạc, khi mỗi thiết bị trạm bờ có thể thu sóng vô tuyến trong bán kính 2.000 – 3.000 km. Ngoài việc kết nối thông tin liên lạc, các thiết bị trạm bờ còn có tính năng định vị toàn cầu, xác định tọa độ, vị trí tàu thuyền trên biển; kết nối với Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam, gọi cấp cứu, nghe dự báo thời tiết và chương trình thông tin duyên hải.

Theo Hội Nghề cá Tiền Giang, đến nay, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt 124 máy thông tin liên lạc tầm xa, sóng HF có kết hợp định vị vệ tinh (GPS) VX 1700 cho 28 THT mới thành lập và ngư dân thuộc đối tượng được nhà nước hỗ trợ với giá trị mỗi máy khoảng 28 triệu đồng. Ngoài ra, ngư dân cũng tự trang bị khoảng 100 máy thông tin liên lạc tầm xa, sóng HF để phục vụ liên lạc giữa tàu cá với đất liền.

Đồng thời, địa phương cũng đã lắp đặt miễn phí 93 thiết bị kết nối vệ tinh thuộc dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh – Movimar” do Cộng hòa Pháp tài trợ cho tàu cá của ngư dân thuộc huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông, thị xã Gò Công và thành phố Mỹ Tho. Điều đáng lưu ý là các thiết bị này đã phát huy tác dụng và được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực cho ngư dân.

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay ICOM là thiết bị thông tin khá phổ biến trên thị trường và được các tàu thuyền đánh bắt hải sản sử dụng rộng rãi. ICOM có hình thức gọn nhẹ, điều chỉnh và sử dụng khá dễ dàng so với thiết bị thông tin cùng loại khác. Ngoài chức năng thông tin liên lạc thông thường, thiết bị ICOM còn có chức năng phát báo động cấp cứu qua gọi chọn số DSC (Digital Selective Calling).

Thiết bị ICOM có rất nhiều loại nhưng trong chuyên mục tuyên truyền Công ước SAR 79, xin giới thiệu nguyên tắc hoạt động của thiết bị ICOM 710, 718 trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Thông tin trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn là thông tin hai chiều.

Khi tàu hoạt động trên biển chẳng may gặp phải sự cố không mong muốn như hỏng máy thả trôi, cháy nổ, có người bị ốm hoặc bị tai nạn, gặp thời tiết xấu, ngư dân cần nhanh chóng gọi tới hệ thống Đài Thông tin duyên hải để yêu cầu trợ giúp trên tần số 7903 KHZ hoặc kênh 16 VHF hoặc tần số làm việc của bất kỳ Đài Thông tin duyên hải nào bằng thiết bị ICOM 710 hoặc ICOM 718 được trang bị trên tàu.

Để thực hiện một cuộc gọi khẩn cấp từ thiết bị này tới hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam để trợ giúp bà con thực hiện như sau: Chọn tần số 7903 KHZ theo kênh đặt sẵn, sau đó cầm MICRO bóp tổ hợp và sẵn sàng thực hiện cuộc gọi. Gọi 3 lần tất cả các Đài Thông tin duyên hải hoặc gọi 3 lần đích danh một Đài Thông tin duyên hải nào đó và xưng danh tàu mình.

Khi nhận được phản hồi từ Đài Thông tin duyên hải, ngư dân hãy cung cấp những thông tin quan trọng liên quan đến tình trạng sự cố của tàu mình như: Tên tàu, vị trí tàu bị nạn, thời gian bị sự cố, tính chất sự cố, số người trên tàu và yêu cầu trợ giúp. Ngoài ra, bà con cũng cần cung cấp thêm những thông tin khác theo yêu cầu của Đài Thông tin duyên hải.

Quang Trí

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!