T2, 06/07/2020 12:16

Hiệu quả nuôi tôm và vai trò của chất lượng nguyên vật liệu đầu vào

Chưa có đánh giá về bài viết

5 tháng đầu năm, thiệt hại của nghề nuôi tôm tại các tỉnh ĐBSCL đã lên đến mức quan ngại. Thống kê của Tổng cục Thủy sản, đến 17/5 đã có 81.413 ha tôm nuôi bị thiệt hại, cao gấp 4 lần so cùng kỳ năm 2015. Tôm chết chủ yếu là do thời tiết nắng nóng và ở một số vùng nuôi độ mặn tăng quá cao; ngoài ra, chất lượng tôm giống và việc kiểm soát dịch bệnh còn chưa tốt (Tuổi Trẻ, 25.5.2016).

Các vấn đề này sẽ được bàn luận tại Hội chợ VietShrimp 2016 tổ chức tại Bạc Liêu 24 – 26/6/2016 để có giải pháp phù hợp.

 

Con tôm gặp khó

2016 đã được dự báo là một năm khó khăn cho nghề nuôi tôm trên toàn thế giới. Nắng nóng, hạn hán và mưa bão bất thường sẽ làm cho môi trường nuôi tôm có những biến đổi lớn, đặc biệt ở những vùng nuôi tôm phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên.

Thiệt hại trong 5 tháng đầu năm mà Tổng cục Thủy sản đã thống kê chủ yếu xảy ra trên các mô hình lúa – tôm, quảng canh hoặc quảng canh cải tiến tại các tỉnh Cà Mau (52.467 ha), Kiên Giang (13.776 ha) và Bạc Liêu (12.322 ha). Nhiệt độ cao bất thường và kéo dài tại các vùng nuôi khiến nước bay hơi, làm tăng độ mặn trong các ao đầm và thúc đẩy quá trình phân hủy của các hợp chất hữu cơ, khiến tảo bùng phát rồi tàn, vi khuẩn có điều kiện phát triển mạnh làm suy giảm nhanh chóng chất lượng nước. Tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) có thể chịu đựng được độ mặn 40 – 45‰ nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Độ mặn cao hơn 34‰ đã ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng của tôm. Vượt ngưỡng 45‰ tôm sẽ chết.

 

Quản lý nguyên liệu đầu vào

Giải pháp cho các vùng nuôi theo mô hình phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, vì thế chỉ có thể là chọn thời điểm thuận lợi hoặc thuận lợi hơn để thả nuôi và lựa chọn tôm giống có khả năng thích ứng tốt hơn với điều kiện bất lợi của môi trường hoặc có thể kháng được một số bệnh nguy hiểm thường gặp. Đây cũng là chiến lược phát triển nghề tôm của Ecuador, một quốc gia ở khu vực Nam Mỹ có sản lượng tôm thẻ chân trắng nuôi tăng đều đặn hàng năm với chi phí sản xuất thấp. Tại Ecuador, tôm bố mẹ được chọn giống theo hướng kháng bệnh và chống chịu tốt hơn với điều kiện bất lợi, thay vì chỉ tập trung vào tốc độ tăng trưởng. Các công đoạn sản xuất tôm giống, ương nâng cỡ từ PL4 lên PL25 – 40 được đầu tư bài bản nhưng nuôi thương phẩm chỉ ở mật độ thấp 10 – 20 con/m2 để giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo hiệu quả nuôi trên diện rộng ở mức độ quốc gia.

hiệu quả nuôi tôm và vai trò của chất lượng nguyên vật liệu đầu vào

Ông Marc Le Poul, Tổng Giám đốc Skretting Vietnam cùng PGS.TS Hoàng Tùng và KS. Nguyễn Chí Tâm – Giám đốc Kinh doanh thức ăn tôm giống và cá biển của Skretting tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Mekong EcoShrimp     

Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam cũng như các quốc gia và vùng lãnh thổ có sản lượng tôm nuôi lớn trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Indonesia hoặc Đài Loan, Trung Quốc đều được đặc trưng bởi xu hướng thâm canh hóa, nuôi với mật độ cao (> 80 con/m2) hoặc rất cao (200 – 500 con/m2). Tại Indonesia đã có mô hình nuôi trong ao nhỏ 1.000 m2 được đầu tư đầy đủ trang thiết bị với mật độ thả lên tới 1.000 con/m2. Với các mô hình nuôi tôm công nghiệp, khả năng điều chỉnh, kiểm soát môi trường tốt hơn nên năng suất nuôi thường vượt trội và chủ động hơn về mùa vụ. Tuy nhiên, hiệu quả nuôi phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của các loại nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất và mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng ở quy mô trang trại (như ao nuôi, ao xử lý nước, nguồn điện, hệ thống sục khí, hệ thống thu gom và loại bỏ chất thải, hệ thống bơm cấp và thoát nước).

Các nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ nuôi tôm có thể kể ra đây bao gồm tôm giống, thức ăn, vi sinh, hóa chất xử lý nước và khoáng bổ sung. Chất lượng của các nguyên vật liệu này (thể hiện qua hiệu quả sử dụng) và chi phí là 2 yếu tố quan trọng để người nuôi lựa chọn. Việc đánh giá và giám sát mức độ ổn định về chất lượng trong thực tế gặp nhiều khó khăn do người nuôi tôm Việt Nam thiếu phương tiện đo đạc, đánh giá và hỗ trợ kỹ thuật. Ở Thái Lan, để đối phó với EMS, cơ quan chức năng đã kết hợp với người nuôi để quan trắc mật độ của Vibrio parahaemolyticus trong quá trình cải tạo ao, xử lý nước và nuôi thương phẩm (Limsuwan 2016). Mục đích đánh giá hiệu quả xử lý của các biện pháp kỹ thuật và sản phẩm sử dụng, đồng thời xác định mật độ Vibrio parahaemolyticus trong môi trường nuôi có khả năng dẫn đến bùng phát EMS để kịp thời ngăn chặn.

Không ít trường hợp người nuôi tôm khẳng định đã xử lý nước ao nuôi nhiều lần mà cứ thả giống thì chỉ sau 15 – 20 ngày là tôm bị hư đường ruột, gan tụy rồi chết. Chỉ khi tiến hành giám sát bằng cách thu mẫu nước để xét nghiệm mới biết sản phẩm đã dùng để diệt khuẩn không mang lại hiệu quả mong muốn. Tương tự, có rất nhiều người nuôi tôm thường xuyên hỏi tư vấn làm sao để biết chế phẩm vi sinh, hóa chất xử lý nước hay các sản phẩm phối trộn thêm vào thức ăn có chất lượng hay không.

Nếu nguyên vật liệu có chất lượng không tốt được chọn, hiệu quả nuôi sẽ thấp và quan trọng hơn là chi phí sản xuất sẽ cao hoặc thậm chí có thể gây thiệt hại. Đã có trường hợp sau khi sử dụng sản phẩm với mong muốn cải thiện hoặc kiểm soát chất lượng nước thì hậu quả lại là tôm yếu hoặc sinh bệnh. Về chi phí sản xuất, điển hình là trường hợp một người nuôi tôm tại Bạc Liêu thu gần 4 tấn tôm được hơn 600 triệu đồng nhưng chỉ riêng hóa đơn thanh toán chế phẩm vi sinh, thuốc và hóa chất đã lên đến 411 triệu đồng. Trong khi, tổng chi phí vi sinh và hóa chất xử lý nước của một cơ sở nuôi khác tại Kiên Giang cho 2 ao nuôi, mỗi ao 2.000 m2 theo công nghệ semi-biofloc thu 13 tấn tôm chỉ ở mức 40 triệu đồng.

Giải pháp thực tế để hỗ trợ người nuôi tôm tốt hơn là cần phải thu thập số liệu thống kê trên diện rộng và xây dựng liên kết chuỗi, tập hợp được các nhà sản xuất hoặc cung cấp có uy tín. Chỉ cần các cơ sở nuôi tôm thành công cho biết loại nguyên vật liệu họ đã sử dụng là người nuôi tôm trong cùng vùng hoặc trên cả nước sẽ có thông tin tham khảo tốt để chọn lựa cho vụ nuôi tiếp theo.

Với mục tiêu hỗ trợ hiệu quả hơn cho người nuôi tôm trong việc cải thiện hiệu quả nuôi và giảm chi phí sản xuất, từ đầu năm 2016, Skretting Vietnam đã bắt đầu triển khai xây dựng chuỗi cung ứng tôm của mình bằng cách lựa chọn các đối tác chiến lược, có sản phẩm chất lượng, chi phí hợp lý(*). Mekong EcoShrimp là đối tác đầu tiên được Skretting Vietnam lựa chọn để cung ứng con giống tôm thẻ chân trắng sạch bệnh hoặc kháng bệnh cho khách hàng của Skretting Vietnam có nhu cầu tiếp cận với nguồn giống chất lượng. Đội ngũ kỹ thuật của Skretting Vietnam và Mekong EcoShrimp sẽ cùng phối hợp hỗ trợ khách hàng từ khi chuẩn bị ao, trong suốt quá trình nuôi đến lúc thu hoạch.

Mặc dù chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập từ tháng 9/2015 tại Ninh Thuận nhưng Mekong EcoShrimp được hỗ trợ bởi các thương hiệu lớn trên thế giới trong lĩnh vực cung ứng tôm bố mẹ chọn giống và các nguyên vật liệu cao cấp phục vụ sản xuất tôm giống. Quan trọng hơn là cam kết chất lượng thể hiện qua quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng tôm giống, phương thức hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi tôm của Mekong EcoShrimp đã khiến Skretting Vietnam tin tưởng vào khả năng duy trì chất lượng tôm giống của công ty này.

 

Nguồn tôm giống chất lượng

Tôm giống của Mekong EcoShrimp được sản xuất theo quy trình không kháng sinh, sử dụng tảo tươi, luân trùng và Artemia nauplii làm giàu DHA. Quy trình kiểm tra nội bộ của Mekong EcoShrimp chỉ cho phép xuất trại tôm giống đạt yêu cầu kỹ thuật và 100% sạch các bệnh nguy hiểm được liệt kê bởi Tổng cục Thủy sản. Tôm bố mẹ Mekong EcoShrimp sử dụng là dòng được chọn giống tại Hawaii, do Shrimp Improvement System (SIS) cung cấp, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện nuôi ở Việt Nam. Hiệu quả nuôi thương phẩm của tôm giống Mekong EcoShrimp đã được xác nhận tại Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Được sự đồng ý của Tổng cục Thủy sản, tháng 5/2016, Mekong EcoShrimp đã ký văn bản hợp tác với American Penaeids Inc (API) tại Florida và nhập đàn tôm bố mẹ kháng bệnh đốm trắng và EMS của công ty này để thử nghiệm sản xuất tôm giống và đánh giá hiệu quả nuôi tại những khu vực có nguy cơ cao.

tôm giống mekong ecoshrimp

Thương hiệu tôm giống Mekong EcoShrimp và cam kết đảm bảo chất lượng với Skretting Vietnam

Skretting Vietnam đang thương thảo, thử nghiệm và sẽ tiếp tục giới thiệu thêm với người nuôi tôm Việt Nam và các quốc gia trong khu vực các đối tác chiến lược cung ứng tôm giống, chế phẩm vi sinh, khoáng chất, hệ thống cho tôm ăn tự động, hệ thống thu thập và xử lý thông tin trực tuyến. Hy vọng những nỗ lực ban đầu này cùng với các sản phẩm thức ăn nuôi tôm mới của Skretting Vietnam sẽ từng bước mang lại kết quả nuôi tốt hơn.

(*) Bạn đọc quan tâm đến chuỗi cung ứng của Skretting Vietnam có thể liên hệ với KS Nguyễn Chí Tâm (qua số điện thoại 0912856439) hoặc email nguyen.chi.tam@skretting.com

PGS.TS Hoàng Tùng - Cố vấn Khoa học của Skretting Vietnam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!