T2, 06/07/2020 11:08

Hiệu quả từ liên kết trên biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, tổ hợp tác khai thác thủy sản liên tiếp ra đời, liên kết ngư dân với nhau. Đây là mô hình sản xuất tốt, giúp ngư dân gia tăng sức mạnh, khai thác hiệu quả hơn.

Ưu điểm từ tổ hợp tác trên biển

Tiền Giang hiện có đội tàu đánh cá có đăng ký 1.147 chiếc, tổng công suất 295.184 CV; trong đó, đội tàu công suất lớn hơn 90 CV là 793 chiếc, đội tàu công suất nhỏ hơn 90 CV là 354 chiếc. Bên cạnh đó, tỉnh còn có đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, với 193 chiếc. Trong điều kiện khai thác khó khăn, để tiếp tục sống được với nghề, các đội tàu phải tăng thời gian bám biển và giảm tối đa chi phí đánh bắt. Để làm được điều này, việc liên kết các tàu cá lại với nhau và tổ chức sản xuất tập thể được ngành nông nghiệp, các ban ngành, đoàn thể địa phương đặt ra, từ đó vận động ngư dân khai thác theo nhóm, tổ đội trên biển và đây là kết quả tất yếu xuất phát từ thực tiễn.

Toàn tỉnh hiện có 11 tổ với 60 tàu cá hoạt động theo hợp đồng hợp tác có xác nhận của chính quyền địa phương; hoạt động theo phương án sản xuất thống nhất của tổ dưới sự điều hành của tổ trưởng. Hiện, hầu hết các tổ hợp tác khai thác thủy sản này đều hoạt động tốt, số lượng tổ viên ổn định. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 51 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 435 tàu cá hoạt động theo hình thức tự thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau…

Việc liên kết theo hình thức tổ khai thác giúp ngư dân an tâm bám biển, nhất là đối với các tàu khai thác tại vùng biển xa, trợ giúp nhau trong sản xuất, tìm kiếm ngư trường, cùng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức cứu hộ cứu nạn khi thiên tai hay bị sự cố, từ đó góp phần tăng hiệu quả kinh tế sau những chuyến đi biển.

Tổ hợp tác khai thác hải sản Tiến Phát (thị trấn vàm Láng, huyện Gò Công Đông) là tổ hợp tác đầu tiên trong tỉnh được thành lập cuối năm 2010 đã mang lại hiệu quả thiết thực cho tổ viên. Tổ trưởng Trần Văn Rô cho biết, hoạt động của Tổ ngày càng thuận lợi hơn, nhất là việc 6 tàu thành viên luân phiên nhau vận chuyển sản phẩm vào bờ và lấy nguyên liệu ra tiếp sức cho các tàu còn lại bám biển đánh cá. Từ đó, giúp giảm chi phí sản xuất, hiệu quả khai thác cũng cao hơn, ngư dân có lợi nhuận cao hơn.

 

Cần hỗ trợ ngư dân nhiều hơn

Ngư dân tham gia các tổ sản xuất trên biển, ngoài việc được hưởng những chính sách chung của Trung ương (như chính sách về đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nghề; cung cấp dịch vụ công ích, thông tin ngư trường, thời tiết, khí tượng, hải văn, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn…) thì còn được hỗ trợ thông tin trong khai thác hải sản, các trang thiết bị thông tin hàng hải, được chuyển giao công nghệ, kỹ thuật. Đặc biệt, được ưu tiên xét giảm thuế nếu bị thiệt hại do thiên tai, sự cố bất khả kháng và các quyền lợi khác theo quy định.

Ngoài ra, tỉnh còn ban hành chính sách riêng đối với các tổ hợp tác khai thác thủy sản, như: hỗ trợ 5 triệu đồng cho việc thành lập mới tổ hợp tác từ ngân sách hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh (có giới hạn theo từng năm) và hỗ trợ mỗi tổ sau khi ra mắt 1 máy thông tin liên lạc tầm xa, sóng HF có kết hợp định vị vệ tinh (GPS) VX 1700 nhằm giúp ngư dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống; nắm vững thông tin về thời tiết; hỗ trợ nhau khi có thiên tai, tai nạn.

Dù vậy, hiện nay việc vận động thành lập cũng như hoạt động của các tổ hợp tác vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo ông Huỳnh Hữu Trí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, nguyên nhân là do ngư dân ngại các thủ tục phải thông qua chính quyền, ngại làm báo cáo, thiếu chính sách thiết thực để thuyết phục mọi người tham gia, như chính sách vay vốn ưu đãi khi tham gia tổ hợp tác. Một số trường hợp tổ trưởng không điều hành được tổ, không nắm bắt được tình hình hoạt động của tổ do trình độ hạn chế, chưa được đào tạo qua công tác điều hành.

Mặt khác, hiện nay chưa có quy chế hoạt động theo hình thức tổ khai thác trên biển nên việc thành lập tổ khai thác trên biển còn mang tính hình thức. Trình tự, thủ tục hỗ trợ và thành lập tổ hợp tác còn phức tạp nên khó thực hiện. Các chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngư dân khi tham gia tổ đoàn kết sản xuất trên biển chưa đủ thuyết phục, việc vay vốn ưu đãi để tái sản xuất hoặc phát triển sản xuất tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Huỳnh Hữu Trí cho biết, thời gian tới Chi cục sẽ tổng hợp và tuyên truyền những hiệu quả thiết thực từ việc tham gia tổ hợp tác cho toàn thể ngư dân trong tỉnh; từ đó, vận động những tổ đoàn kết sản xuất trên biển tự phát, thỏa thuận miệng thực hiện theo quy ước của tổ và có xác nhận của địa phương. Đồng thời, vận động những tàu cá khai thác xa bờ chưa tham gia tổ hợp tác, thành lập tổ mới để hỗ trợ nhau trên biển.

Bên cạnh đó, ông Trí cũng đề nghị: Nhà nước cần ban hành quy định hướng dẫn thành lập tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển theo hướng đặc thù ngành, phù hợp thực tế sản xuất hơn và đơn giản hóa các thủ tục trong chính sách hỗ trợ sản xuất khi ngư dân tham gia tổ, nhất là chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất.

>>Sự liên kết chắc chắn của tổ khai thác sẽ giúp ngư dân trao đổi, học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật, cung cấp kịp thời thông tin ngư trường, rút ngắn thời gian đến ngư trường khai thác, kéo dài thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất; đồng thời, giảm thất thoát sau thu hoạch…

Thành Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!