Hỏi – Đáp tháng 4 (P4)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Dấu hiệu cá rô phi khi bị nhiễm virus TiLV? Biện pháp phòng bệnh?

(Nguyễn Văn Hòa, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang)

Trả lời:

Cá bị nhiễm bệnh do virus TiLV (Tilapia lake virus) có biểu hiện chán ăn, màu sắc cơ thể biến đổi (sẫm màu); thay đổi tập tính bơi lội (như tập trung ở trên bề mặt, bơi lờ đờ), ngừng kéo đàn, hôn mê trước khi chết. Cơ thể có hiện tượng xung huyết, xuất huyết não; ăn mòn và lở loét từ dạng điểm đến mảng trên da; mang tái nhợt; mắt bị teo lại hoặc lồi ra, có hiện tượng đục thủy tinh thể; xoang bụng và hậu môn phình to; vẩy dựng lên, có thể bong tróc; đuôi bị ăn mòn. Bệnh gây tỷ lệ chết cao trong đàn cá nuôi, đặc biệt ở cá nhỏ, do đó khi thấy có hiện tượng cá rô phi nuôi chết nhiều, không rõ nguyên nhân thì có thể nghi là bệnh do virus TiLV gây ra.

Hiện nay, chưa có biện pháp kiểm soát bệnh hiệu quả, vì vậy nếu có hiện tượng cá rô phi chết nhiều bất thường, phải báo ngay cho cơ quan thú y nơi gần nhất để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh. Cá rô phi giống trước khi thả nuôi cần lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đối với mầm bệnh TiLV. Tuyệt đối không vận chuyển cá rô phi sống từ các ao nuôi đã bị bệnh sang các ao/vùng nuôi không bị bệnh; Không vứt cá chết, cá bệnh, xả thải nước ao nuôi bị bệnh nhưng chưa qua xử lý ra ngoài môi trường. Hố tiêu hủy cá chết phải cách xa nguồn nước, khu dân cư ít nhất 50 m. Sử dụng vôi bột rắc xuống hố và phun thuốc sát trùng quanh khu vực hố. Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để hạn chế mầm bệnh lây lan qua dụng cụ, phương tiện và con người.

Hỏi: Tôm có dấu hiệu giảm ăn, mềm vỏ, trong ao xuất hiện các sợi phân trắng. Xin hỏi đây là bệnh gì, biện pháp chữa trị ra sao?

(Trần Thùy Anh, xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang)

Trả lời:

Theo mô tả, tôm có thể đã mắc bệnh phân trắng. Có nhiều nguyên nhân khiến tôm mắc bệnh như: Tôm ăn phải thức ăn kém chất lượng hoặc bị nấm mốc; Tôm ăn phải các loại tảo độc (tảo lam, tảo giáp…) trong ruột các loại tảo này tiết ra enzyme có khả năng gây tê liệt biểu mô, khiến ruột tôm không hấp thụ được thức ăn và không tiêu hóa được, dẫn đến tình trạng ruột bị tắc nghẽn gây bệnh phân trắng trên tôm; Do ký sinh trùng Gregarine; Do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei. Để điều trị bệnh, cần ngừng cho tôm ăn hoàn toàn trong vòng 1 – 2 ngày. Chạy quạt để tăng cường ôxy nhiều nhất có thể. Thay nước sạch đã xử lý 30 – 50% (thay chậm để tránh làm tôm sốc). Sử dụng chế phẩm vi sinh với liều cao gấp 3 lần so với liều thông thường để xử lý nước và đáy ao. Trộn xen kẽ men tiêu hóa và tỏi (10 g/kg) vào thức ăn để cho tôm ăn (không trộn tỏi cùng vi sinh vì tỏi có thể làm bất hoạt vi sinh). Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên trong 5 ngày liên tục.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!