Hỏi – Đáp tháng 5 (Phần 1)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Ngao sinh trưởng chậm, có hiện tượng nổi nhiều lên cát, mở vỏ và chết hàng loạt. Xin hỏi nguyên nhân và giải pháp khắc phục?


(Nguyễn Vân Anh, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình)

Trả lời:

Theo mô tả, ngao có thể đã mắc bệnh do nhóm ký sinh trùng Perkinsus sp. gây ra. Biểu hiện chủ yếu của bệnh là ngao sinh trưởng chậm; Tuyến sinh dục chậm phát triển, giảm sức sinh sản và làm chậm chu kỳ sinh sản; ngao nổi lên cát, mở vỏ và chết hàng loạt. Để phòng trị bệnh, người nuôi tuyệt đối không nên thả giống vào thời điểm thời tiết không thuận lợi; Duy trì mật độ thả thích hợp 180 – 200 con/m2, cỡ giống nuôi 400 – 600 con/kg; dưới 250 con/m2 đối với cỡ giống nuôi 500 – 800 con/kg và 250 – 300 con/m2 đối với cỡ giống 800 – 2.000 con/kg. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường nước như: nhiệt độ, độ mặn… ở bãi ngao để khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi. Trong trường hợp ngao đạt kích cỡ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch tránh thiệt hại. Đối với ngao chưa đạt kích cỡ thu hoạch cần chủ động san thưa, không để mật độ quá dày. Nếu phát hiện ngao chết, lập tức thu gom, xử lý theo quy định để tránh lây lan sang các cá thể còn sống, có biện pháp khai thông vùng đọng nước nhằm tránh hiện tượng ứ đọng cục bộ, tránh nhiệt độ tăng cao vào buổi trưa.

Hỏi: Các phương pháp sử dụng thuốc, hóa chất phòng trị bệnh cho thủy sản?

(Trần Minh, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Thông thường, người nuôi thủy sản sử dụng một trong các biện pháp sau:

Phương pháp tắm: Dùng thuốc với nồng độ tương đối cao tắm cho động vật thủy sản theo thời gian quy định (tương ứng với nồng độ thuốc cho phép), phương pháp này chỉ áp dụng trong trại giống hoặc môi trường nuôi có diện tích nhỏ.

Phương pháp ngâm: Thuốc được dùng với nồng độ thấp và thời gian kéo dài, thường áp dụng cho các ao nuôi với diện tích lớn. Để giảm lượng hóa chất sử dụng cần hạ thấp mực nước trong ao, tuy nhiên, cần phải chuẩn bị một lượng nước sạch để chủ động cấp vào ao nuôi phòng khi có sự cố xảy ra.

 Phương pháp uống: Dùng thuốc hoặc các chế phẩm trộn vào thức ăn. Tuy nhiên, phương pháp này kém hiệu quả đối với một số bệnh, vì khi đối tượng nuôi bị bệnh hoạt động bắt mồi thường kém, đôi khi bỏ ăn nên kết quả điều trị không cao. Khi sử dụng phương pháp này cần bổ sung thêm dầu gan mực, dầu thực vật bao bên ngoài viên thức ăn để hạn chế thuốc, hóa chất bị mất đi do hòa tan trong môi trường nước nuôi.

Phương pháp tiêm: Dùng thuốc tiêm trực tiếp vào cơ thể động vật thủy sản (chỉ áp dụng cho động vật quý, hiếm hoặc đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao).

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!