Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 10/2015 (P. 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Hiện dịch bệnh trên tôm nhiều. Vậy định kỳ 4 – 5 ngày diệt khuẩn nước 1 lần có ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi hay không? Trần Văn Thạch (Nghĩa Bình, Nghĩa Hưng, Nam Định)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Định kỳ 4 – 5 ngày diệt khuẩn nước 1 lần có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe tôm nuôi. Khi diệt khuẩn nước tiêu diệt được mầm bệnh, vi khuẩn gây bệnh đồng thời tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi trong ao nuôi, diệt tảo làm thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường gây sốc cho tôm và mất cân bằng sinh thái. Nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho tôm nuôi như: cải tạo và quản lý môi trường ao nuôi đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học, khoáng chất, vitamin.

 

Hỏi: Tôm hùm nuôi được 35 ngày tuổi, có hiện tượng đỏ ở phần đầu và bụng, nhiều con đỏ toàn thân, hoạt động chậm chạp. Như vậy tôm bị bệnh gì,  phương pháp phòng, trị bệnh? Hoàng Văn Định (Cam Ranh, Khánh Hòa)

 

Trả lời:

Theo mô tả thì tôm bị bệnh đỏ thân do vi khuẩn Vibrio sp gây ra. Phòng bệnh bằng cách sử dụng thức ăn tươi và rửa sạch bằng nước ngọt trước khi cho tôm ăn, thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi, thu gom thức ăn thừa sau khi cho ăn 2 – 3 giờ. Mật độ nuôi vừa phải từ 4 – 5 con/m2, khoảng cách giữa các lồng nuôi từ 5 m trở lên để đảm bảo nước lưu thông tốt. Định kỳ bổ sung Vitamin C, vitamin tổng hợp để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Trị bệnh bằng một số kháng sinh như Doxyciline liều lượng 0,3 g/kg tôm/ngày, Streptomycine liều lượng 0,1 g/kg tôm/ngày. Thời gian điều trị 3 – 5 ngày bằng cách hòa tan các loại thuốc vào nước, sau đó ngâm hỗn hợp này với thức ăn là cá tạp, cua, tôm,… 15 – 30 phút trước khi cho tôm ăn.

 

Hỏi: Trong cải tạo ao, đầm nuôi tôm sú có nên dùng đồng sunfat (CuSO4) để hạn chế rong đáy không? Nguyễn Văn Khoa (Tuy Hòa, Phú Yên)

 

Trả lời:

Việc dùng hóa dược để tẩy trùng đáy ao không chỉ có khả năng diệt rong đáy, mà còn tiêu diệt nhiều loại tác nhân gây bệnh khác nhau. CuSO4 là một hóa dược có khả năng diệt rong khá tốt, nhưng do khả năng hòa tan trong nước mặn của CuSO4 rất kém nên chỉ được dùng nhiều trong nuôi thủy sản nước ngọt. Mặt khác, khi dùng CuSO4 sẽ làm cho quá trình gây màu nước sau đó trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, hóa dược này còn ảnh hưởng tới hoạt động của một số cơ quan chức năng của tôm như: gan tụy, tiêu hoá… gây hiện tượng tôm bị còi cọc chậm lớn. Do vậy để phòng rong đáy, cách tốt nhất là nhanh chóng gây được màu nước, tạo màn che phiêu sinh làm cho ánh mặt trời không chiếu được xuống đáy ao, rong đáy sẽ không phát triển được.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!