Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 3/2015 (P. 3)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Xin hỏi kỹ thuật, thời gian nuôi cá chốt trắng? Hứa Văn Minh ( tỉnh Sóc Trăng, 01659.787.579)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Cá chốt trắng dễ nuôi, ít bệnh có thể nuôi ở những thủy vực có độ mặn 0 – 15‰. Mật độ thông thường 10 – 15 con/m2, hoặc có thể nuôi ghép các loài khác với mật độ 4 – 6 con/m2. Cá chốt trắng là đối tượng ăn tạp nên có thể sử dụng thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế, hệ số thức ăn 1,4 – 3, tùy thuộc vào loại thức ăn. Sau thời gian 7 – 8 tháng, cá đạt cỡ 7 – 15 con/kg tiến hành thu hoạch.

 

Hỏi: Cá lóc nuôi đạt kích cỡ 400 – 550 g có biểu hiện lở loét, bơi lờ đờ trên tầng mặt, chết hàng loạt. Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp phòng trị? Thái Tổ Trấn (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang)

Trả lời:

Theo như mô tả cá có hiện tượng bị nấm da và nấm mang. Các sợi nấm bám vào da, mang, sợi nấm phân nhánh và theo các mạch máu ăn sâu vào bên trong làm loét da và mang. Các sợi nấm làm đứt rời các sợi mang gây khó khăn cho hô hấp và chết hàng loạt. Bệnh xảy ra ở những ao nuôi bị ô nhiễm.

Để phòng bệnh, cần giữ môi trường nước trong sạch, định kỳ thay nước cho ao nuôi, 20 – 30 ngày xử lý môi trường ao nuôi một lần bằng vôi bột với lượng 2 – 3 kg/100 m2. Để khắc phục hiện tượng này có thể sử dụng một số thuốc trị nấm như methylen 2 – 3 ppm, fomalin liều lượng 1/500 – 1/1.000 tắm trong thời gian 20 – 30 phút, tùy theo sức khỏe của cá, tắm 2 lần/tuần.

 

Hỏi: Cách khắc phục hiện tượng tôm nuôi được 55 ngày tuổi, một số con thấy có gan, bao tử và phần đường ruột đỏ bầm, cuối đường ruột teo dần? Phạm Chấn Hưng, (xã An Thạnh, Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng)

Trả lời:

Nguyên nhân gây bệnh có thể là do môi trường bị ô nhiễm hoặc thay đổi đột ngột, hoặc do tôm bị ngộ độc khí, kim loại nặng hay trong ao nuôi có tảo độc tiết độc tố làm tôm tấy đỏ thành ruột, ức chế chức năng gan tụy.

Khắc phục hiện tượng này có thể thay nước với lượng 20%/ngày trong 2 ngày liên tục kết hợp với xi phông bùn đáy. Sau đó, sử dụng một số chế phẩm sinh học EM, tưới đều 5 – 10 ml EM vào 1 m3 ao nuôi tôm cá và lặp lại sau 10 ngày để ổn định môi trường nước, ức chế sự phát triển của tảo độc. Có thể sử dụng một số chế phẩm sinh học khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong quá trình xử lý cần tăng cường quạt nước hoặc sục khí mạnh để bổ sung hàm lượng ôxy hòa tan.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!