Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 3 (P. 5)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Ao tôm nuôi được 2 tháng, tôm vẫn ăn bình thường nhưng vào vó ít dần rồi không vào nữa, chài kiểm tra thấy ruột nhỏ, tôm lỏng vỏ. Xin hỏi tôm làm sao và phải khắc phục như thế nào? (Trần Hữu Phước – huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu )

Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Theo mô tả thì rất có thể tôm nuôi nhà bạn bị mắc bệnh đốm trắng, bệnh này do virus gây ra. Bệnh có thể ủ từ tôm giống hoặc ao đầm cải tạo chưa tốt và thường phát triển mạnh khi nhiệt độ hạ (dưới 280C). Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể sử dụng các biện pháp sau:

Trường hợp nhẹ: Tôm vẫn khỏe, màu sắc tươi sáng và chưa có biểu hiện gì thì giảm 50% thức ăn, sử dụng BKC (7 – 10 ppm) tạt đều khắp ao, tạt 2 lần (2 ngày/ lần). Sau đó thay 50% lượng nước ao trong 5 ngày (mỗi ngày 10%), Bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho tôm với liều lượng 1 g/kg thức ăn, cho ăn 1 tuần liên tục. Sau khi thay nước phải bón chế phẩm sinh học ngay để cân bằng hệ vi sinh vật trong ao.

Trường hợp nặng: Trên vỏ đầu ngực và đốt bụng cuối của tôm có những chấm trắng nhỏ và lan dần ra khắp vỏ, tôm yếu dạt bờ, chết rải rác thì cần thu hoạch ngay. Để tránh lây lan, bạn nên khử trùng dụng cụ và dùng Chlorine (30 kg/1.000m3) hoặc formol (200 lít/1.000m3) hòa nước tạt đều xuống ao, ngâm 7 ngày rồi mới xổ ra môi trường.

 

Hỏi: Công nghệ sinh học là gì và ứng dụng như thế nào trong nuôi trồng thủy sản? (Vũ Văn Liêm – huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng)

 

Trả lời:

Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng tốt, phục vụ cho lợi ích, nhu cầu của con người và bảo vệ môi trường…

Vấn nạn ô nhiễm nguồn nước hiện nay gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nuôi trồng thủy sản. Việc áp dụng công nghệ sinh học để nuôi thủy sản bền vững, giảm tác động xấu tới môi trường là cần thiết. Một trong những lựa chọn hiệu quả đó là sử dụng chế phẩm sinh học. 

Chế phẩm sinh học là sản phẩm có chứa vi sinh vật sống. Trong nuôi thủy sản, sử dụng chế phẩm sinh học (men vi sinh) nhằm mục đích cải thiện môi trường (nước và nền đáy ao), tăng sức khỏe vật nuôi, tăng khả năng tiêu hóa thức ăn… góp phần tăng năng suất và sản lượng.

Mỗi một loại chế phẩm đều có đặc tính khác nhau và được sử dụng với những mục đích khác nhau như:

– Phân hủy các mùn bã hữu cơ trong nước và làm giảm lớp bùn ở đáy ao. Chuyển hóa các loại khí độc trong nước (NH3, H2S…) sang dạng ít độc hại hơn, giúp tôm cá phát triển tốt, nâng cao khả năng miễn dịch của tôm cá nuôi.

– Làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi, lấn át và kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn gây hại, hạn chế dịch bệnh phát triển. Do vòng đời của vi sinh ngắn nên phải định kỳ bón bổ sung chế phẩm, nhằm duy trì khối lượng lớn vi khuẩn có lợi trong ao để phòng bệnh cho tôm cá.

– Ổn định pH và màu nước, do chế phẩm sinh học hấp thu chất dinh dưỡng hòa tan trong nước hạn chế tảo phát triển, giảm chi phí xử lý trong quá trình nuôi, tăng ôxy hòa tan giúp vật nuôi khỏe mạnh.

– Khi trộn men vi sinh vào thức ăn cho tôm cá sẽ có tác dụng thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giúp chúng tăng trưởng nhanh.

Ngoài ra, sử dụng chế phẩm sinh học sẽ hạn chế việc sử dụng hóa chất bừa bãi, gây tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tôm cá sẽ ít bị dịch bệnh, năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!