Hỏi đáp Thủy sản Tháng 4 (P.1)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Tôm giống thả được 10 ngày, phát triển tốt, nhưng nước ao bị cạn, vậy có thể cấp nước cho ao được không? (Châu Thăng – huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng)

Trả lời:

Trong nuôi tôm, mực nước ao phải duy trì ở mức quy định bởi vì khi nhiệt độ không khí thay đổi thì nhiệt độ nước ở độ sâu này vẫn ổn định trong một thời gian, tránh gây sốc cho tôm và giúp tôm thích nghi dần dần với sự thay đổi đó. Mặt khác, khi nước có độ sâu đúng quy định sẽ tạo ra không gian hoạt động cho tôm nuôi ở các tầng nước khác nhau, giúp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Mực nước ao nuôi tôm thâm canh phải duy trì 1 – 1,5m, nuôi quảng canh 0,7 – 1m.

Nếu nước ao nhà bạn bị cạn thì có thể cấp thêm nước vào cho đủ theo mức quy định. Tuy nhiên, nước trước khi được cấp vào ao nuôi phải được lấy vào ao lắng và khử trùng. Cũng cần được kiểm tra độ mặn nguồn nước cấp vào và nước trong ao sao cho không chênh lệch lớn quá (không quá 3‰). Đồng thời, để tránh gây sốc cho tôm, bạn nên cấp nước làm nhiều lần, mỗi lần cấp 10 – 15cm.

 

Hỏi: Khi cải tạo ao với loại đất nhiễm phèn và đất nhiễm mặn thì phải xử lý như thế nào? (Nguyễn Hoài Ân – Cà Mau)

Trả lời:

Đối với ao bị nhiễm phèn thì bạn nên thực hiện như sau: Tát cạn ao, dọn sạch nền đáy và chỉ vét bớt bùn nếu ao có quá nhiều bùn. Dùng vôi bột (CaO) với liều lượng 12 – 14 kg/100m2 rải đều khắp nền đáy và bờ ao, sau đó bừa lại đáy ao cho vôi lẫn vào bùn để khoáng hóa đáy ao và nâng cao pH. Sau khi cải tạo ao, bạn phơi đáy 2 – 3 ngày (Lưu ý: không được phơi đáy lâu vì đáy ao nứt nẻ xi phèn sẽ thoát ra làm giảm pH ảnh hưởng đến vật nuôi) sau đó dùng giấy quỳ kiểm tra pH. Nếu pH ở khoảng 7 – 8 là đạt yêu cầu, pH < 7 là nước bị chua, bạn phải tếp tục bón thêm vôi 4 – 5 kg/100m2 (hòa loãng té đều xuống ao).

Đối với ao bị nhiễm mặn, bạn có thể sử dụng để thả nuôi các loài nước mặn, lợ như tôm, cua và các loại cá (bống bớp, chim, tráp, vược…). Nếu muốn chuyển sang nuôi tôm cá nước ngọt, bạn phải tát cạn ao, vét bớt bùn và dùng nước ngọt thau mặn 3 – 4 lần (cấp nước vào và bơm nước ra mỗi lần 20 – 30cm).

 

Hỏi: Ở Nam Định có thể nuôi được tôm hùm không và có bán giống không? (Lê Văn Long – Nam Định)

Trả lời:

Tôm hùm là loài tôm biển, môi trường sống thích hợp là nơi có nước biển trong sạch, độ mặn cao (25 – 35‰) và ít biến động. Hiện nay, nguồn tôm hùm giống cung cấp cho nuôi phần lớn đánh bắt ngoài tự nhiên. Ở nước ta, tôm thường được nuôi lồng ở vùng biển các tỉnh Khánh hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang. Ở Nam Định, nước có độ trong thấp, độ mặn thấp và biến đổi liên tục nên không thích hợp cho nuôi đối tượng này và cũng chưa thấy có bán giống.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!