Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 6/2015 (P. 4)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Cá trê lai kích thước trung bình 0,5 kg/con, trên thân có lớp nhớt màu trắng đục, thỉnh thoảng nổi từng đàn trên mặt nước và có biểu hiện ngứa ngáy. Hỏi cá bị bệnh gì và cách điều trị? Cao Văn Viết (Nga Sơn, Thanh Hóa)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Theo như mô tả cá trê bị nhiễm ký sinh trùng bánh xe hay còn gọi là trùng mặt trời. Trùng mặt trời thuộc nhóm ngoại ký sinh, chúng ký sinh chủ yếu ở da, vây, mang, mũi của cá. Thức ăn của chúng là chất nhớt trên da và mang cá. Trùng ký sinh và di chuyển khắp bề mặt cơ thể làm cá tiết ra nhiều nhớt, tạo ra nhiều vết thương nhỏ li ti trên cơ thể cá. Đây là nguyên nhân làm cho các mầm bệnh khác (virus, vi khuẩn, nấm) dễ dàng tấn công và gây cho cá bệnh nặng hơn. Nếu ký sinh nhiều trên mang, chúng phá hủy các tơ mang làm mang tiết nhiều nhớt, cản trở hoạt động hô hấp của cá. Trùng mặt trờithường lây nhiễm nặng và gây tác hại lớn cho cá vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng  8, đặc biệt trong ao ương nuôi cá ở mật độ dày, ao nông, nước dơ bẩn.

Trị bệnh cho cá bằng phương pháp tắm cá bằng một số loại hóa chất như: KMnO4 liều lượng 1 lít/2.000 – 2.500 m3 trong 15 – 30 phút; NaCl 2 – 3% trong thời gian 5 phút; hoặc Chlorine liều lượng 0,5 ppm và Formol 0,5 – 1 ppm khoảng 15 – 30 phút.

 

Hỏi: Phương pháp thu, ấp trứng lươn như thế nào đạt hiệu quả cao? Phạm Đăng Lâm (huyện An Phú, tỉnh An Giang)

Trả lời:

Để vớt và ấp trứng lươn cần chuẩn bị các dụng cụ như vợt lưới có kích cỡ mắt lưới nhỏ (2,5 mm), sục khí, chậu nhựa và bể ương giống. Ở những trại lươn sinh sản nhân tạo, khi thấy có tổ bọt xuất hiện trên miệng hang hoặc trên mặt nước, tổ bọt lớn dần vào chiều tối thì sáng hôm sau lươn đã đẻ. Trứng bám vào tổ bọt và có màu vàng nhạt, trong suốt, đường kính trứng khoảng 3,5 mm. Khi phát hiện ổ trứng lươn, cần dùng vợt để vớt trứng, rửa sạch và ấp trong các chậu nhựa (đường kính 40 cm) có chứa nước sạch và sục khí nhẹ. Nhiệt độ ấp dao động 28 – 300C, pH 6 – 8, ôxy > 5 ppm. Sau 5 ngày, trứng bắt đầu nở và 2 – 3 ngày sau thì nở hết hoàn toàn.

 

Hỏi: Tôm bị đóng rong màu xanh lá cây, cạo nhẹ thì hết. Xin hỏi cách khắc phục? Thành Long (Vĩnh Linh, Quảng Trị)

Trả lời:

Tôm đóng rong có màu xanh lá cây thường xảy ra trong ao nuôi có mực nước thấp, chất lượng nước xấu, có nhiều chất hữu cơ. Để hạn chế hiện tượng này, trong quá trình nuôi cần quản lý tốt chất lượng nước, sử dụng thức ăn đủ dinh dưỡng để kích thích tôm hoạt động và lột xác thường xuyên. Khắc phục hiện tượng tôm đóng rong, có thể dùng Formalin, liều lượng 25 – 30 ml/m3 nước hoặc BKC 80 với liều 0,8 ml/m3 nước để diệt tảo bám và kích thích sự lột xác của tôm. Tăng cường sục khí, quạt nước trong quá trình xử lý. 


Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!