Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 7 (P. 5)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Ao nuôi tôm thẻ chân trắng được 15 ngày nhưng khó gây màu nước và tôm có hiện tượng nổi đầu mặc dù đã quạt hết công suất, xin hỏi biện pháp khắc phục? (Nguyễn Ngọc Chung – khu 3, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Ao khó gây màu nguyên nhân do nguồn dinh dưỡng trong ao kém, đáy bị trơ. Tôm trong ao nổi đầu nhiều mặc dù vẫn chạy quạt khí cho thấy nước ao nhà bạn có thể có hàm lượng khí H2S cao nên tôm bị nhiễm độc, nổi lên mặt nước kết đàn bơi vòng quanh bờ để tìm cách thoát ra ngoài. Nếu không có biện pháp xử lý tôm sẽ chết hàng loạt. Do vậy, bạn cần thay 50% lượng nước ao bằng nước sạch trong 3 ngày liên tục, sau đó dùng chế phẩm sinh học bón xuống ao theo liều lượng ghi trên bao bì để chuyển hóa khí độc và cân bằng hệ sinh thái trong ao nuôi.

Bạn có thể gây màu nước bằng cách dùng mật rỉ đường và bột đậu tương ủ qua đêm (tỷ lệ 1/1) hòa loãng té xuống ao (3 – 4 kg/1.000 m3) và bón 3 ngày liên tục, sau 5 ngày màu nước chuyển thành màu nước đậu là được.

 

Hỏi: Cá chép ương được 1 tháng thì phát hiện thấy rất nhiều con có hiện tượng nắp mang bị hở và xuất hiện đốm trắng trên mang. Xin hỏi cá bị bệnh gì, cách chữa trị ra sao?(Huỳnh Hữu Điền – huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)

Trả lời:

Theo như mô tả thì cá chép ao nhà bạn đã bị bệnh kênh mang, bệnh do thích bào tử trùng (Myxobolus sp) gây nên, chúng có vỏ bọc kitin dày nên rất khó bị tiêu diệt. Khi bị bệnh cá có biểu hiện bơi lờ đờ ở tầng mặt gần bờ và không phản ứng với tiếng động. Quan sát cá thấy nắp mang bị hở, không khép kín, có xác cá chết nổi lên mặt nước, khi bị nhiễm nặng cá có thể chết hàng loạt.

Nguyên nhân gây bệnh do ao không được cải tạo kỹ và bón vôi diệt trùng, nên nền đáy hoặc nguồn nước đã nhiễm bệnh, gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ bùng phát.

Khi cá bị nhiễm bệnh cần giảm 50 – 70% lượng thức ăn, sau đó trộn thuốc Sulfadiazine hoặc ESB3 (thuốc điều trị cầu trùng gia cầm) hoặc dùng thuốc Tiên đắc (Health Fish) trộn vào thức ăn với liều lượng 2 – 3% cho cá ăn liên tục 5 ngày, khối u sẽ dần biến mất, cá bình phục trở lại. Trong thời gian trị bệnh nên dùng viên sủi TCCA hoặc Vicato (liều lượng ghi trên bao bì) hòa loãng té xuống ao để diệt bào tử trùng trong nước.

 

Hỏi: Xin cho biết lợi ích của nuôi tôm – rừng kết hợp? (Phạm Đức Hợi – huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Rừng ngập mặn ven biển được xem như cái nôi sinh sống của các loài tôm cá, không chỉ cung cấp thức ăn cho tôm cá mà còn giúp làm sạch các chất thải trong môi trường nước, hạn chế dịch bệnh, chống xói lở, cung cấp gỗ… Việc nuôi tôm kết hợp với rừng là mô hình nuôi sinh thái lý tưởng, vừa giữ được môi trường sinh thái, đảm bảo tính bền vững của nghề nuôi, an toàn dịch bệnh, đạt hiệu quả về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, rừng còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, vì thế việc phá toàn bộ cây rừng để phục vụ nuôi tôm sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt sinh thái, an ninh quốc phòng… Do vậy, cần phải cân nhắc khi mở diện tích nuôi tôm.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!