Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 8 (P. 3)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Tôm nuôi được 20 ngày có hiện tượng ăn ít, đáy ao có mùi hôi thối, phải xử lý như thế nào? (Nguyễn Văn Yêm – xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Tôm ăn ít và đáy ao có mùi hôi thối, nguyên nhân do khi cải tạo ao có thể chưa sên vét hết lớp bùn đen dưới nền đáy hoặc sau một thời gian nuôi, lượng chất thải trong ao (phân tôm, thức ăn dư thừa, xác tảo…) nhiều, phân hủy khiến sinh ra các khí độc như H2S, NH3, NO2… Tôm bị nhiễm độc nên sức đề kháng yếu, bỏ ăn và có thể tập trung trên mặt nước, bơi xung quanh bờ để tìm đường thoát ra ngoài. Nếu không xử lý kịp thời tôm sẽ chết hàng loạt.

Biện pháp xử lý như sau:

Giảm 40 – 60% lượng thức ăn của tôm hàng ngày, xiphông hết lượng mùn bã hữu cơ dưới đáy ao ra ngoài (nếu có thể); thay nước 2 – 3 ngày liên tục, mỗi ngày 20% lượng nước ao nếu chủ động được nguồn nước sạch.

Trường hợp ao không thay được nước hoặc không xiphông được đáy thì sử dụng chế phẩm sinh học để chuyển hóa khí độc trong nước như Bio – DW, POND – CLEAR, EMC… với liều lượng gấp 1,2 – 1,5 lần bình thường (ghi trên bao bì). Tăng cường quạt khí để cung cấp đủ lượng ôxy hòa tan cho tôm hô hấp, đồng thời cung cấp ôxy xuống tận đáy ao giúp quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ và các phản ứng hóa học được diễn ra thuận lợi.

 

Hỏi: Cá rô phi đơn tính đực có những ưu điểm gì vượt trội trong nuôi trồng? (Nguyễn Thới Bình – huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)

Trả lời:  

Việc nuôi cá rô phi đơn tính đực có nhiều ưu điểm như:

– Khi nuôi chung cá rô phi cùng một cỡ thì bao giờ cá đực cũng lớn hơn cá cái. Bởi cá cái sau một thời gian dài ấp trứng và nuôi con trong miệng nên phải nhịn ăn.

– Nuôi hoàn toàn cá đực nên toàn bộ năng lượng của cá đực được dùng để sinh trưởng và không qua quá trình sinh sản. Do cá không bị “vỡ kế hoạch” nên người nuôi dễ dàng kiểm soát được mật độ thả nuôi.

– Khi nuôi hoàn toàn cá đực, người nuôi có thể chủ động nuôi quy cỡ cá thương phẩm theo giá cả thị truờng. Nhờ thế giá trị thương phẩm và hiệu quả của việc nuôi thâm canh sẽ cao hơn.

 

Hỏi: Tại sao ao nuôi tôm thẻ chân trắng rồi khó nuôi lại tôm sú? (Nguyễn Luân –  huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre)

Trả lời:

Tôm thẻ chân trắng có mật độ nuôi cao, gấp hàng chục lần tôm sú, do vậy, việc sử dụng các loại thuốc và hóa chất, thức ăn trong quá trình nuôi cũng gấp nhiều lần tôm sú trên cùng một đơn vị diện tích.

Nếu nuôi tôm thẻ chân trắng liên tục, ao không được nghỉ thì nền đáy sẽ bị chai và nhiễm hóa chất nhiều, vượt quá sức tải môi trường, khu hệ sinh thái trong nước ao và vùng nuôi bị ô nhiễm do lượng chất thải từ hoạt động nuôi gây ra. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, sau khi nuôi tôm thẻ chân trắng mà quay lại nuôi lại tôm sú ngay thì tỷ lệ thành công sẽ rất thấp. Do vậy, để nuôi tôm sú trở lại, bạn phải cho ao nghỉ ít nhất một năm để phục hồi lại hệ sinh thái và tái tạo môi trường đáy.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!