Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 8 (P. 5)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Xin cho biết nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng cá lóc nuôi bị gù lưng, nhất là cá lóc đầu nhím? (Phạm Lan Hương, Email: plhuong889@gmail.com)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Cá lóc nuôi bị gù lưng có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do thiếu canxi có trong đạm động vật (nguồn bột cá có trong thức ăn). Trong quá trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho các loại cá có vảy, một số doanh nghiệp vì muốn hạ giá thành sản xuất nên đã thay thế hàm lượng đạm bằng bột cá (tức đạm động vật) bằng đạm thực vật là cám gạo, bột đậu nành… Mặc dù, vẫn bảo đảm tỷ lệ đạm được ghi trên bao bì nhưng do tỷ lệ đạm động vật không bảo đảm nên xảy ra hiện tượng cá bị gù lưng với tỷ lệ khá cao. Do vậy, cách khắc phục là nên phối hợp giữa thức ăn tự chế có đạm động vật với thức ăn công nghiệp để đảm bảo hàm lượng đạm động vật có trong cá nuôi, giúp chúng có đầy đủ các chất dinh dưỡng để phát triển tốt.

 

Hỏi: Nguồn nước ao nuôi tôm nhà tôi đang bị nhiễm hàm lượng kim loại nặng cao, tôi muốn hỏi EDTA Hà Lan có thể xử lý tốt được không, địa chỉ bán sản phẩm này? (Nguyễn Minh Thiện, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)

 

Trả lời:

EDTA (Ethylendiamin Tetraacetic Acid) là axít hữu cơ mạnh, dùng để tạo chelat (phức chất) cô lập các ion kim loại nặng, ngăn kết tủa của chúng trong nước và làm cho các ion này không tác dụng được với các hợp chất khác. EDTA được dùng để xử lý nước trong ao nuôi tôm thịt, trong vùng có độ mặn thấp, đất nhiễm phèn hoặc ô nhiễm kim loại nặng. Hiện, trên thị trường, EDTA có nguồn gốc ở nhiều nước khác nhau như  Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, dù được sản xuất ở quốc gia nào chúng đều có tác dụng xử lý kim loại nặng trong nước như nhau nếu mua đúng sản phẩm và xử lý đúng liều lượng. Bạn có thể lên hệ mua EDTA Hà Lan tại: Công ty TNHH Hóa chất Ôxy, Q. 5, TP Hồ Chí Minh. ĐT: 08 3859 441408 3859 4414.

 

Hỏi: Xin cho biết nguyên nhân làm giảm hiệu quả sinh sản nhân tạo cá?(Phan Xuân Lâm, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng)

 

Trả lời:

Nguyên nhân làm giảm hiệu quả sinh sản của cá gồm: Chất lượng cá bố mẹ kém do cận huyết, nuôi vỗ cá bố mẹ không đúng quy trình, thức ăn không đủ dinh dưỡng và cá bố mẹ bị bệnh trong quá trình nuôi vỗ. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác trong sinh sản như cá bị đẻ ép, đẻ non, nhiệt độ và các yếu tố môi trường nước trong sinh sản không phù hợp, chất lượng và liều lượng kích dục tố tiêm cá chưa chuẩn. 


Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!