Hội Nghề cá Việt Nam: Phát huy hiệu quả hoạt động

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2016, hệ thống của Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục được củng cố, phát triển, hoạt động ngày một đa dạng, Hội đã chủ động trong những hoạt động phối hợp với các ngành chức năng liên quan để tổ chức, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động. Hội đã phát huy được vai trò và đại diện cho tiếng nói của nông dân, ngư dân trong cả nước.

Mở rộng hệ thống

Năm 2016, hệ thống Hội được củng cố từ trung ương đến địa phương, thu hút và kết nạp thêm  nhiều hội viên tập thể và cá nhân. Cụ thể,  kết nạp 4 đơn vị hội viên tập thể (tính đến nay Hội có 106 hội viên tập thể). Có 6 tỉnh Hội tổ chức Đại hội là Cà Mau, Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Quảng Ngãi và 2 Tỉnh hội thành lập mới là Hậu Giang , TP Hồ Chí Minh.

Thể hiện tốt vai trò là cầu nối và tiếng nói của hội viên, nông dân, ngư dân; Hội đã tập hợp và đề xuất nhiều ý kiến bằng văn bản lên các cơ quan quản lý Nhà nước về các cơ chế, chính sách khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản và nâng cao đời sống; Kịp thời lên tiếng phản đối các hành vi của nước ngoài, nhất là Trung Quốc xâm phạm đến quyền lợi của ngư dân và chủ quyền biển đảo của Việt Nam, phản đối Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông; Lên tiếng kịp thời về sự cố ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung; tuyên truyền, vận động các tỉnh hội tham gia tích cực trong việc thực hiện có hiệu quả các chính của Đảng và Nhà nước về phát triển thủy sản như NĐ 67/2014,NĐ số 89/2015 sửa đổi NĐ 67 và NĐ 36/2014 góp phần đưa chính sách của Nhà nước vào cuộc sống.

 

Tổ đội khai thác xa bờ giúp ngư dân bám biển – Ảnh: Thế Duyệt

Phát triển sản xuất

Không chỉ là đơn vị xã hội nghề nghiệp, Hội Nghề cá Việt Nam còn triển khai nhiều hoạt động mang lại những hiệu quả thiết thực trong tổ chức sản xuất, giúp gia tăng giá trị, phát triển kinh tế của hội viên, nông dân, ngư dân. Đây cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Hội năm qua.

Trong khai thác thủy sản, các cấp Hội đã phối hợp tham gia hướng dẫn tổ chức khai thác và hậu cần dịch vụ nghề cá với nhiều phương thức, mang lại hiệu quả thiết thực như: tổ chức đánh cá  theo tổ đội, ngư đội khai thác hải sản xa bờ (hiện nay có khoảng 4.400 tổ đội sản xuất trên biển với 32.000 tàu cá và 192.000 ngư dân tham gia); tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, ngư dân thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, chuyển đổi công cụ khai thác hiệu quả. Nhiều tỉnh hội cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị, tổ chức quản lý cộng đồng đối với nghề cá ven bờ, tích cực tham gia việc cung ứng vật tư, nhiên liệu cho khai thác trên biển, tham gia hoạt động quản lý bến cá nhỏ có hiệu quả, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Điển hình như các tỉnh Hội Quảng Ninh, Thái Bình, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Cà Mau, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trong nuôi trồng thủy sản, bên cạnh việc có những văn bản kiến nghị, góp ý phản ánh về những khó khăn trong sản xuất của nông dân, ngư dân với Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản; Hội còn có nhiều hoạt động tích cực đẩy mạnh nghề nuôi, tham gia xây dựng quy hoạch vùng nuôi; chủ động tổ chức lại sản xuất gắn với quản lý cộng đồng ; Tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn; tham gia giải quyết các vấn đề về vốn, giống, thức ăn, phòng trừ dịnh bệnh, bảo vệ môi trường.

Hội Nghề cá Việt Nam cũng xác định, bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất thì việc tạo sự liên kết, chia sẻ và khơi thông tiêu thụ sản phẩm thủy sản là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi, thị trường chính là yếu tố quyết định cho thành công trong sản xuất. Chính vì vậy mà, năm qua, các đơn vị của Trung ương Hội tích cực tham gia góp phần đáng kể trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng phổ biến các tiêu chuẩn, quy định liên quan đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho xuất khẩu và nội địa, tuyên truyền áp dụng VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế về thủy sản… Nhiều tỉnh Hội có các chi hội sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như mực khô một nắng, rong câu chỉ vàng, nước mắm. Tổ chức hội thảo bàn về phát triển sản xuất nước mắm tại TP Hồ Chí Minh nhằm tìm giải pháp phát triển nghề sản xuất nước mắm đảm bảo chất lượng, hiệu quả…

Ông Nguyễn Việt Thắng, Đại biểu quốc hội, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh, Hội cần có những hoạt động thiết thực hơn nữa, giữ vững là cánh tay đắc lực cho ngành thủy sản Việt Nam trên mọi lĩnh vực như hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Mặt khác, tiếng nói của ngư dân là ưu tiên số 1 (vì đây là đại diện cho hàng trăm nông dân, ngư dân đang ngày đêm khai thác thủy sản, bám biển bảo vệ Tổ quốc). Chính vì vậy, để có những thông điệp phản ánh đến Chính phủ và Nhà nước Trung ương Hội và các Hội cơ sở cần tích cực hoạt động hơn nữa, có sự phối hợp và thông tin đa chiều phản ánh tâm tư nguyện vọng của nông dân, ngư dân.

 

>> Trong những năm tới, hoạt động Hội cần có nhiều chuyển biến, thiết thực gắn quyền lợi của hội viên, nông dân, ngư dân. Các hội địa phương cần lắng nghe chia sẻ của hội viên để có những phản ánh kịp thời, để có những kiến nghị điều chỉnh những chính sách, phương hướng phát triển của ngành thủy sản.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!