Hòn Sơn – Kiệt tác thiên nhiên của Kiên Giang

Chưa có đánh giá về bài viết

Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, môi trường trong lành, những bãi biển đẹp với cát vàng hòa quyện trong làn nước xanh trong đã tạo nên một Hòn Sơn tuyệt đẹp, được mệnh danh là kiệt tác thiên nhiên của tỉnh Kiên Giang.

Hoang sơ và trong lành

Hòn Sơn thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, nằm giữa Hòn Tre và quần đảo Nam Du, cách đất liền khoảng 60 km, với diện tích 11,5 km2. Hòn Sơn có hơn 2.012 hộ gia đình với 8.120 khẩu. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản, đóng tàu, chế biến tôm, cá, mực khô và làm nước mắm. Hòn Sơn có tên gọi khác là Hòn Sơn Rái. Tương truyền, sở dĩ hòn đảo có tên này là vì trước đây trên đảo có một loài cây tên là dầu rái mọc rất nhiều, nhựa cây dùng quét lên vỏ thuyền để chống nước biển ăn mòn. Ý kiến khác cho rằng là do lúc trước quanh đảo có rất nhiều rái cá sinh sống. Năm 1777, khi Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn đến đây, có một con rái cá khổng lồ dâng hải sản lên cho ông, nên ông đặt tên cho hòn đảo là Hòn Sơn Rái.

Hòn Sơn thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: ST

Với đường bờ biển dài hơn 1 km uốn cong hình lưỡi liềm, đảo Hòn Sơn có 5 bãi biển là bãi Bàng, bãi Nhà, bãi Thiên Thuế, bãi Giếng và bãi Bấc. Đây đều là những bãi biển đẹp với biển xanh, cát trắng, nắng vàng quanh năm, sóng nhè nhẹ vỗ bờ, nước biển sạch cùng nhiều bãi đá lớn, nhỏ. Trong đó, bãi Bàng được xem là bãi biển đẹp nhất, nơi đây có làn nước trong xanh, những rặng dừa dọc bờ biển đung đưa theo gió, không khí biển mát mẻ thích hợp để thư giãn. Hiện nay, nhiều dịch vụ du lịch cũng được phát triển tại bãi Bàng như lặn ngắm san hô, câu mực, câu cá…

Bãi Thiên Tuế nằm ở phía tây đảo, nơi có những khối đá tạo hình kỳ thú, gần như vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo. Bãi Đá Chài và Bãi Giếng nằm sát bãi Thiên Tuế, dựa lưng vào dãy núi có rừng cây nguyên sinh. Ở đây có những mô đá phẳng nguyên khối chạy dài ra mép nước. Không gian thoáng đãng rất phù hợp để tổ chức vui chơi, cắm trại.

Cây dừa huyền thoại ở Bãi Xếp. Ảnh: ST

Bãi Xếp là bãi biển còn hoang sơ, trên bãi cát có những hòn đá to nằm như được sắp đặt. Đặc biệt, ở Bãi Xếp có cây dừa ngã nằm gác mình qua hai tảng đá lớn, được khách du lịch đặt tên là “cây dừa huyền thoại” bởi ai đi về cũng có một tấm hình chụp cùng cây dừa này.

 

Tiềm năng du lịch khám phá

Hòn Sơn có 7 đỉnh núi liền nhau, trong đó nổi bật là Ma Thiên Lãnh với độ cao 450 m so với mặt nước biển. Để lên đến đỉnh núi cần vượt qua những bậc thang và đi qua con đường mòn quanh co, đầy sỏi, dài hơn 3 km. Trên đỉnh Ma Thiên Lãnh có một tảng đá bằng phẳng, phong cảnh xung quanh rất đẹp, không gian mênh mông, xanh thẳm của biển trời, tiếng núi rừng, chim muông ríu rít. Theo truyền thuyết, nhờ cảnh đẹp non nước hữu tình nên các nàng tiên trên trời thường nhảy múa ở đây mỗi lần hạ giới nên còn được gọi là Sân Tiên.

Sân Tiên trên đỉnh Ma Thiên Lãnh. Ảnh: ST

Cảnh đẹp hoang vu, huyền bí này cũng thu hút không ít các đạo sĩ, những người quy ẩn giang hồ đến thiền định trong các hang động, am miếu. Theo người dân nơi đây, có tu sĩ đến Sân Tiên tu thiền ẩn cư trong một hang đá khắc dòng chữ “Mai Dương Kiếm Pháp”, trong hang có đầy đủ vật dụng: bàn ghế, giường, tủ sách… làm bằng cây rừng. Cuộc đời và cách hành xử của những người này được người dân truyền miệng với nhiều câu chuyện nửa hư nửa thực, tạo nên một màu sắc liêu trai huyền bí bao trùm lên đỉnh núi này.

Một ngọn núi khác cũng không kém hấp dẫn là núi Ông Rồng cao hơn 250 m so với mực nước biển. Đường đi đến đỉnh núi Ông Rồng chỉ bằng 1/3 so với Ma Thiên Lãnh nhưng khó đi hơn, phải băng rừng, vượt suối, càng lên cao đường càng dốc, có những dốc cao cả mét, trơn trợt, hay những đoạn dốc gần như thẳng đứng, phải bám dây leo, cây rừng mà đi. Lên đến đỉnh sẽ thấy cây thiên tuế cổ thụ mọc trong vách núi, thân ngã khoanh tròn như thân con rồng với đầu hướng ra biển, nên núi mới được gọi là Ông Rồng. Theo các nhà nghiên cứu, cây thiên tuế này có tuổi đời trên 300 năm nếu tính theo mắt lá (một năm thay lá một lần).

 

Nét đẹp tâm linh

Ngoài thắng cảnh đẹp, Hòn Sơn còn có những di tích mang nét tâm linh của xứ biển, gắn với giai thoại của người bản địa. Trên đảo có các đình, chùa như: Đền thờ Nam Hải Đại tướng quân, Đình thần Lại Sơn, Miễu Bà Cố Chủ, Thánh Thất Cao Đài, Chùa Hải Sơn… Theo người dân trên đảo, Miếu Bà Cố Chủ là nơi thờ người phụ nữ đầu tiên đến khai phá Hòn Sơn Rái và được xem là thần cai quản vùng biển Lại Sơn. Để tưởng nhớ đến công ơn của Bà, người dân nơi đây đã lập miếu thờ, tổ chức lễ cúng vào ngày 9 tháng 9 âm lịch hàng năm.

Di tích đền thờ thần Nam Hải tọa lạc ở Bãi Thiên Tuế là nơi bảo quản nhiều bộ xương cá Ông. Lễ hội Nghinh Ông vào ngày 15 và 16 tháng 10 âm lịch hàng năm là một nét văn hóa đặc trưng của người dân trên đảo. Vào ngày hội này, tất cả người dân sẽ hội tụ lại, đặc biệt là những người sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản.

Thời tiết ở Hòn Sơn quanh  năm dễ chịu nên bạn có thể đến đây vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, lý tưởng nhất để du lịch đảo Hòn Sơn là vào khoảng tháng 5 đến tháng 12, bởi mùa này biển êm và nhiều hải sản tươi ngon.

>> Hiện nay, chính quyền địa phương trên đảo đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp điện, cấp nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch gia đình thân thiện gắn với quản lý, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.  

Sơn Trà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!