T2, 06/07/2020 01:11

Hợp tác, liên kết, chia sẻ để đạt chuẩn quốc tế

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ sự tư vấn của “Dự án Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững – công bằng tại Việt Nam – SUSV” do EU tài trợ; sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp, một số HTX nuôi tôm thuộc 3 tỉnh vùng dự án đã được công nhận đạt chuẩn ASC, hoặc đang trong giai đoạn đánh giá để công nhận.


Nhờ có hợp đồng liên kết thực hiện ASC, HTX Cái Bát được Công ty CP Chế biến và XNK thủy sản Thanh Đoàn thu mua tôm với giá cao hơn thị trường Ảnh: XT

Tầm quan trọng

Ngay từ năm 2016, được sự hỗ trợ của tổ chức ICAFIS, Oxfam tại Việt Nam và WWF, 3 tỉnh nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL là Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đã tập trung tổ chức lại sản xuất theo mô hình HTX và xây dựng các hoạt động liên kết chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững – công bằng. Một trong những hoạt động thiết thực và có hiệu quả của dự án là hướng người nuôi liên kết với doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn trong nước (VietGAP) và quốc tế (ASC) và bước đầu đã có một số HTX được công nhận đạt các tiêu chuẩn này.

Là một trong số những doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết của dự án, bà Uông Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc chất lượng Công ty Chế biến và XNK Thủy sản Quốc Việt, đánh giá: “Việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế là vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh và các rào cản kỹ thuật từ các nước. Vì vậy, khi tham gia dự án SUSV, chúng tôi đã thực hiện liên kết với 2 HTX Tân Long và Đoàn Kết của xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) để xây dựng vùng nuôi đạt yêu tiêu chuẩn quốc tế ASC. Do công việc còn khá mới mẻ đối với người nuôi, cộng thêm điều kiện nuôi nhỏ lẻ nên bước đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ của dự án, sự nỗ lực của HTX nên đến nay, chúng tôi cũng đã đi đến đến giai đoạn cuối chuẩn bị cho việc đánh giá và công nhận”.

Để có được 2 vùng nuôi của 2 HTX trên được công nhận ASC, phía Công ty Quốc Việt phải bỏ ra một khoản chi phí vào khoảng 250 triệu đồng để hỗ trợ cho 2 HTX thực hiện các tiêu chí theo quy định của bên chứng nhận. Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty Quốc Việt đã trao 50% chi phí hỗ trợ trên cho 2 HTX và số còn lại sẽ được phía Công ty hỗ trợ sau khi kết quả đánh giá đạt tiêu chuẩn ASC. Phát biểu tại buổi trao tiền hỗ trợ, ông Châu Trung Trực, Giám đốc HTX Đoàn Kết khẳng định: “Với mục tiêu nâng cao uy tín, giá trị tôm nuôi của HTX, các thành viên trong HTX quyết tâm thực hiện đúng theo 26 tiêu chí của công ty để được công nhận đạt chuẩn ASC trong tháng 8 tới đây”.

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm ICAFIS, một trong những đơn vị thực hiện dự án SUSV cho biết: Dự án đã thúc đẩy ký kết được 25 liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm, trong đó 3 HTX/THT đạt chứng nhận quốc tế ASC, 9 HTX/THT tiến tới đạt chứng nhận trong năm 2018. Thúc đẩy ký kết được 74 liên kết đầu và chuyển giao công nghệ: thức ăn, con giống, chế phẩm sinh học, bạt lót hồ tôm… Lợi nhuận của các HTX/THT vùng dự án tăng 10 – 20% trong hai năm liên tiếp 2016, 2017. Đầu vào sản phẩm được kiểm soát với giá thành giảm 10 – 30% (tùy sản phẩm); đầu ra sản phẩm tăng 3 – 5% và có sự hỗ trợ kinh phí và nhân sự của công ty liên kết trong quá trình áp dụng các chứng nhận quốc tế.

Đánh giá cao sự tham gia của các bên trong dự án, ông Huỳnh Quốc Tịnh, đại diện tổ chức WWF tại Việt Nam cho biết: “Một khi con tôm có được chứng nhận quốc tế, việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn, giá cả cũng sẽ tốt hơn và đi kèm theo đó là lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp được ổn định hơn”.

Hài hòa lợi ích


Lễ trao chi phí thực hiện ASC cho HTX Tân Long và Đoàn Kết trong khuôn khổ dự án SUSV do Công ty Chế biến và XNK thủy sản Quốc Việt hỗ trợ

Trước Tân Long và Đoàn Kết, HTX Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Cái Bát ở huyện Cái Nước cũng được Công ty CP Chế biến và XNK Thủy sản Thanh Đoàn hỗ trợ thực hiện nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC và chính thức trao bằng chứng nhận vào ngày 25/5 vừa qua. Phát biểu sau khi nhận chứng nhận ASC, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX chia sẻ: “Liên kết với doanh nghiệp thực hiện ASC có rất nhiều cái lợi. Ngoài việc được hỗ trợ chi phí thực hiện, HTX còn được Công ty thu mua tôm với giá cao hơn thị trường bình quân 2.000 đồng/kg ngay từ khi chưa được cấp chứng nhận. Để duy trì mối liên kết này được bền vững như mục tiêu dự án, theo tôi vấn đề quan trọng là các bên cần phải biết giữ chữ tín với nhau, biết chia sẻ cùng nhau lợi ích cũng như rủi ro để cùng phát triển”.

Cũng trong khuôn khổ dự án SUSV, sau gần 1 năm thực hiện, tháng 5/2017, HTX nuôi tôm Hòa Nghĩa (Sóc Trăng) chính thức được cấp chứng nhận đạt chuẩn ASC cho sản phẩm tôm nuôi của mình. Ông Ngô Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Hòa Nghĩa cho biết, sản phẩm tôm nuôi theo chuẩn ASC đầu tiên đã được Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) thu mua với giá cao hơn thị trường 15 – 20% để xuất khẩu cho đối tác là Công ty Nordic Seafood. Đây là HTX nuôi tôm đầu tiên của Sóc Trăng được chứng nhận đạt chuẩn ASC, còn trước đó, vào năm 2013, HTX đã thực hiện nuôi tôm theo VietGAP và cũng đạt chứng nhận tiêu chuẩn này. Hiện HTX có 29 thành viên, với tổng diện tích ao nuôi khoảng 90 ha, mỗi năm có thể cung ứng khoảng 600 tấn tôm thương phẩm đạt chuẩn ASC.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!