T2, 06/07/2020 01:57

Hướng dẫn quy trình kiểm soát tàu nước ngoài đánh bắt thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 29/10/2019, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 4092/QĐ-BNN-TCTS về việc hướng dẫn quy trình kiểm soát tàu nước ngoài đánh bắt thủy sản, vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Bước 1: Thông báo thông tin trước khi tàu cập cảng

Trước khi tàu cập cảng ít nhất 24 giờ chủ tàu hoặc người đại diện chủ tàu (đại lý vận tải/chủ hàng) của tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác để nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thông báo theo Mẫu số 17.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP qua môi trường mạng cho cơ quan có thẩm quyền của Bộ NN&PTNT theo Danh sách Cục Thú y và Chi cục Thú y vùng ban hành kèm theo Quyết định này (gọi tắt là Cơ quan kiểm tra).

Bước 2. Xử lý thông tin tiếp nhận từ chủ tàu hoặc người đại diện chủ tàu (đại lý vận tải/chủ hàng).

– Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin, Cơ quan kiểm tra đối chiếu thông tin của tàu xin phép cập cảng với Danh sách tàu cá vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp (Danh sách tàu cá IUU) của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực do Ủy ban châu Âu (EC) công bố.

– Trường hợp tàu xin phép cập cảng nằm trong Danh sách tàu cá khai thác IUU của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, danh sách tàu cá IUU do EC công bố, Cơ quan kiểm tra từ chối cho tàu cập cảng và thông báo với cơ quan quản lý cảng; công bố và thông báo về quyết định từ chối cập cảng cho quốc gia mà tàu mang cờ; đồng thời, nếu thấy cần thiết phải thông báo cho các quốc gia ven biển lân cận, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực và các tổ chức quốc tế khác có liên quan.

– Trường hợp tàu xin phép cập cảng không nằm trong danh sách tàu cá IUU hoặc chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản liên quan đến khi khai thác IUU của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực, danh sách tàu cá IUU do EC công bố, Cơ quan kiểm tra thông báo đến cơ quan quản lý cảng bố trí, điều độ cho phép tàu cập cảng, đồng thời thông báo cho thuyền trưởng hoặc đại diện chủ tàu (đại lý vận tải/chủ hàng) biết.

Tăng cường kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam – Ảnh: CTV

Bước 3: Kiểm tra, đối chiếu thông tin khi tàu cập cảng

– Nội dung kiểm tra: Yêu cầu thuyền trưởng cung cấp các tài liệu để kiểm tra Thông tin về tàu (tên tàu, số tàu, số hiệu tàu do Tổ chức hàng hải Quốc tế “IMO” cấp), thông tin về chủ tàu, giấy đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác, giấy phép chuyển tải, các báo cáo chuyển tải, nhập ký khai thác, sản lượng và thành phần các loài thủy sản, ngư cụ; tài liệu theo yêu cầu của Công ước về Buôn bán quốc tế các loài Động thực vật Hoang dã nguy cấp (CITES) và tài liệu cần thiết khác (nếu có).

– Tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin:

+ Kiểm tra các tài liệu đã được cung cấp có phù hợp với quy định hay không, có bị tẩy xóa, viết thêm hay không;

+ Kiểm chứng, xác minh sự thống nhất, trùng khớp giữa các thông tin đã khai theo Mẫu số 17.KT Phụ lực IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP và các thông tin, tài liệu do thuyền trưởng cung cấp.

Trường hợp nhận thấy các thông tin không đầy đủ hoặc có nghi ngờ, Cơ quan kiểm tra liên hệ với cơ quan chức năng của quốc gia có tàu cá mang cờ qua mạng để xác minh thông tin. Trường hợp cơ quan chức năng của quốc qua có tàu mang cờ không trả lời theo thời hạn quy định, Cơ quan kiểm tra sẽ xác định tính xác thực của các thông tin được cung cấp dựa trên kết quả kiểm tra trên tàu.

Bước 4: Kiểm tra, kiểm soát trực tiếp trên tàu

Việc kiểm tra, kiểm soát trên tàu phải đảm bảo kiểm soát được tất cả các vị trí liên quan của tàu, hàng hóa trên tàu, thủy sản, ngư, lưới cụ, thiết bị, tài liệu ghi chép. Cơ quan kiểm tra yêu cầu thuyền trưởng hợp tác và cung cấp các thông tin cần thiết gồm:

– Nhật ký khai thác, chuyển tải thủy sản của tàu;

– Kiểm tra dữ liệu giám sát tàu cá (VMS)/AIS; việc tuân thủ quy định trách nhiệm của biện pháp quốc gia treo cờ/quy định của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực; dữ liệu về thời điểm khai thác, sản lượng thủy sản được chuyển tải;

– Kiểm tra thực tế các ngư cụ có trên tàu, kể cả ngư cụ được cất giữ cũng như các dụng cụ khác có liên quan theo danh mục và điều kiện ghi trong Giấy phép khai thác;

– Kiểm tra thủy sản được khai thác/chuyển tải trên tàu (loài thủy sản, khu vực, mùa vụ…) được đánh bắt theo quy định của Giấy phép khai thác;

– Kiểm tra, đối chiếu sản lượng và thành phần loài thủy sản khai thác với thông tin khai báo về lô hàng nhập khẩu;

– Rà soát các tài liệu và ghi chép liên quan khác có trên tàu;

– Kiểm tra các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Công ước CITES (nếu có). 

Bước 5: Lập Biên bản kiểm tra

Biên bản kiểm tra được lập theo mẫu số 18.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 26/2019-NĐ-CP. Biên bản kiểm tra được lập thành 2 bản; thuyền trưởng và Cơ quan kiểm tra mỗi bên giữ1 bản.

Bước 6: Xử lý kết quả kiểm tra

– Trường hợp không có bằng chứng về lô hàng, tàu khai thác, chuyển tải bất hợp pháp hoặc hoạt động hỗ trợ cho khai thác bất hợp pháp, Cơ quan kiểm tra cho phép bốc dỡ hàng thủy sản theo quy định.

– Trường hợp phát hiện bằng chứng về lô hàng, tàu khai thác, chuyển tải bất hợp pháp hoặc hoạt động hỗ trợ cho khai thác bất hợp pháp, Cơ quan kiểm tra phối hợp với các cơ quan có chức năng không cho bốc dỡ hàng lên cảng và thông báo với Cơ quan quản lý cảng không cho sử dụng dịch vụ tại cảng, đồng thời thông báo cho quốc gia mà tàu mang cờ, quốc gia mà thuyền trưởng của tàu khai thác, chuyển tải đó mang quốc tịch về kết quả kiểm tra và biện pháp xử lý vi phạm. 

– Trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết liên quan đế an toàn tình mạng và sức khỏe thuyền viên, người làm việc trên tàu hoặc lý do an toàn của tàu, tàu gặp sự cố do thiên tai, Cơ quan kiểm tra xác minh phối hợp với các cơ quan chức năng cho phép tàu cập cảng để giải quyết sự cố và thông báo với Cơ quan quản lý cảng áp dụng các biện pháp cần thiết nếu tàu cần sử dụng các dịch vụ do cảng cung cấp; đồng thời thông báo cho quốc gia mà tàu mang cờ, quốc gia mà thuyền trưởng của tàu khai thác, chuyển tải đó mang quốc tịch.

 

 Bước 7: Trước khi tàu rời cảng

Trước khi tàu rời cảng, thuyền trưởng/người đại diện chủ tàu phải thông báo cho Cơ quan quản lý cảng và các cơ quan chức năng liên quan theo quy định tại Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ.

Tổ chức/cá nhân có tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam:

a) Tuân thủ các quy định của quy trình này; phối hợp và cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin cho các cơ quan chức năng theo quy định.

b) Thực hiện đúng, đầy đủ các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và quốc tế trong kiểm soát thủy sản có nguồn gốc từ khai thác.

                                Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!