T2, 06/07/2020 01:40

Hướng đến phát triển nghề biển có trách nhiệm

Chưa có đánh giá về bài viết

Tăng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản là những giải pháp nhằm phát triển nghề biển có trách nhiệm, bền vững.


Theo quy định mới, tàu có chiều dài dưới 15m sẽ không được khai thác thủy sản ở vùng biển khơi.

Tăng mức xử phạt

So với Nghị định 103, thì Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (có hiệu lực từ ngày 5.7.2019), tăng 2-3 lần mức phạt đối với một số vi phạm quy định về khu vực cấm khai thác thủy sản (KTTS). Riêng đối với vi phạm nghiêm trọng trong KTTS, như việc ngư dân không ghi nhật ký KTTS, nhật ký thu mua, vận chuyển thủy sản đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên trong trường hợp tái phạm sẽ bị phạt từ 500 – 700 triệu đồng. “Chỉ mỗi việc nhỏ là ghi nhật ký khai thác, mà số tiền bị phạt chiếm 1/5 giá trị chiếc tàu thì quá nặng”, ngư dân Lê Văn Thức, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) bày tỏ.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Chi cục Thủy sản, mức xử phạt trên là nhằm răn đe, để ngư dân chấp hành các quy định theo khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bởi nếu ngư dân không thực hiện nghiêm việc ghi nhật ký KTTS, thì khi EC kiểm tra sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực thực hiện IUU.

Đặc biệt, theo Nghị định 42, ngư dân có thể bị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng, nếu sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên, nhưng không có giấy phép KTTS hay giấy phép đã hết hạn KTTS trong vùng biển Việt Nam, cũng như tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác, hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực… Ngoài mức phạt tiền, chủ tàu còn bị tịch thu tàu cá, tước quyền sử dụng giấy phép KTTS từ 6 – 12 tháng. Việc xử phạt này vừa “cụ thể hóa” các khuyến nghị của EC, cũng là hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả kiểm tra và quản lý hoạt động tàu cá.

Băn khoăn hạn ngạch

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có quyết định giao hạn ngạch giấy phép KTTS tại vùng khơi cho các tàu cá địa phương. Theo đó, tàu cá hoạt động ở vùng khơi phải có chiều dài trên 15m và công suất từ 90CV trở lên. Với quy định trên, nhiều chủ tàu cá trong tỉnh dù đáp ứng điều kiện về công suất, nhưng có chiều dài dưới 15m; hoặc đủ điều kiện, nhưng không còn hạn mức cũng sẽ không được cấp giấy phép KTTS ở vùng biển khơi. Trong khi đó, hiện có nhiều tàu cá của ngư dân chỉ dài từ 12m đến dưới 15m, công suất trên 90CV, nhưng vẫn vươn khơi KTTS.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT chỉ giao hạn mức cho tỉnh là 3.338 chiếc, vừa khớp với số tàu đủ điều kiện KTTS ở vùng biển xa hiện có và số tàu Chi cục Thủy sản đã cấp phép đóng mới. Số tàu này lại phân bổ theo các ngành nghề khai thác, nên ngư dân lo lắng sẽ không được chuyển đổi nghề, hoặc không thể vươn khơi xa, dù đã nâng cấp tàu. “Tàu của tôi có công suất 290CV, nhưng chiều dài chưa đến 15m. Giờ tôi muốn được cấp phép KTTS ở vùng biển xa, thì phải nâng cấp chiều dài tàu đạt từ 15m trở lên. Tuy nhiên, hiện đã hết chỉ tiêu, nên giờ tôi không biết phải làm sao để vươn khơi xa”, ngư dân Lê Văn Cơ, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) lo lắng.

Dù biết việc cấp hạn ngạch giấy phép KTTS là cơ sở để quản lý tàu cá hoạt động theo luật định, hướng đến phát triển nghề biển có trách nhiệm, bền vững, nhưng với những bất cập trên, Chi cục Thủy sản đã tham mưu Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét cho phép tỉnh linh động điều chỉnh việc cấp giấy phép KTTS giữa các ngành nghề; đồng thời cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép KTTS vùng khơi cho tàu cá của tỉnh. Nếu được bổ sung, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục hướng dẫn ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá nhằm đảm bảo điều kiện hoạt động ở vùng khơi.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Báo Quảng Ngãi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!