Hướng đi nào của thủy sản thế giới 2014?

Chưa có đánh giá về bài viết

Dân số tăng cùng với nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày một lớn đang khiến nguồn cung thủy sản dần bị hạn chế, mặc dù ngành này vẫn tiếp tục tăng trưởng về cả quy mô, sản lượng.

Nuôi trồng sẽ lên ngôi

Hoạt động nuôi trồng đang có mức tăng trưởng khá cao, bình quân 6,1%, đóng góp lớn vào sản lượng thủy sản thế giới. Tuy nhiên, hoạt động khai thác, đánh bắt đang có xu hướng chững lại, mức tăng bình quân giai đoạn 2006 – 2011 chỉ đạt 0,1%. Mặt khác, do các nguồn lợi đã bị khai thác hết tiềm năng, đến sát mức sản lượng bền vững tối đa, nên lĩnh vực này khó tăng thêm sản lượng.

Theo dự báo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sản lượng thủy sản năm 2022 là 181 triệu tấn, tăng 18% so với mức trung bình giai đoạn 2010 – 2012. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác chỉ tăng 5%, nuôi trồng tăng 35%, đạt 85 triệu tấn trong năm 2022. Giai đoạn 2013 – 2022, nuôi trồng dự kiến tiếp tục tăng trung bình 2,4%/năm, giảm gần 5,9% so với giai đoạn 10 năm trước đó. Tăng trưởng giảm chủ yếu do diện tích giảm, trong khi bột cá, dầu cá, năng lượng và thức ăn thủy sản tăng… Tuy vậy, nuôi trồng thủy sản vẫn là ngành tăng trưởng nhanh nhất so với các ngành thực phẩm khác, trở thành nguồn chính cung cấp thủy sản vào năm 2015 và chiếm 53% tổng lượng tiêu thụ thủy sản năm 2022.

 

Hoạt động khai thác, đánh bắt đang dần bị hạn chế do các nguồn lợi đã bị khai thác hết tiềm năng – Nguồn: dw.de

Xu hướng tiêu dùng mới

Báo cáo của FAO cho thấy, nhu cầu thủy sản trên đầu người cũng đang tăng dần với mức tăng bình quân giai đoạn 2006 – 2011 là 1,6%. Cụ thể, từ 17,4 kg/người (năm 2006) lên 17,6 kg/người (năm 2007); 17,8 kg/người (năm 2008); 18,1 kg/người (năm 2009), 18,6 kg/người (năm 2010); 18,8 kg/người (năm 2011) và có thể lên đến 19,1 kg/người (năm 2015) và 19 – 20 kg/người (năm 2030).

Năm 2014 và những năm tới, người tiêu dùng thủy sản trên thế giới có xu hướng sẽ chuyển sang tiêu dùng nhiều thủy sản tươi, sống, nhất là các loại có giá trị cao như: giáp xác, tôm, cá ngừ, cá hồi… Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêu thụ đồ hộp ngày càng giảm do nguy cơ bị nhiễm hóa chất hóa từ sản phẩm đồ hộp gia tăng; đồng thời, nhu cầu đối với thủy sản đã chế biến sẽ tăng nhanh bởi tính tiện dụng cao. Yêu cầu về an toàn thực phẩm cũng ngày càng tăng và phổ biến rộng rãi trên thế giới. Như tại Nhật Bản, người dân có nhu cầu rất cao về sản phẩm thủy sản. Hàng năm, mỗi hộ gia đình Nhật chi khoảng 37.000 yên cho thực phẩm thủy sản, chiếm khoảng 13% tổng chi tiêu cho thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống. Gần đây, người tiêu dùng Nhật đang chuyển sang tiêu thụ thủy sản giá rẻ hơn, nhưng vẫn chú trọng chất lượng cao, độ tươi, có lợi cho sức khỏe và an toàn thực phẩm.

Tại Mỹ, cuộc khảo sát của Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) cho thấy, năm 2012, cá thịt trắng (cá tuyết, minh thái, rô phi, tra và catfish) đã vượt qua tôm để trở thành loại thủy sản được tiêu thụ mạnh nhất. Nhiều chuyên gia dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục được giữ vững.

Còn theo một nghiên cứu khác của FAO, tiêu thụ thủy sản của EU trong tương lai sẽ diễn ra ba xu hướng: Tiêu thụ thủy sản chế biến bảo quản và thủy sản ướp lạnh/tươi hầu như ổn định; giáp xác, nhuyễn thể, fillet cá và sản phẩm qua chế biến sẽ tăng; tiêu thụ sản phẩm đông lạnh sẽ giảm. Mức tăng tiêu thụ cao nhất được dự báo cho các loài giáp xác, nhất là tôm và fillet cá.

>> Thủy sản nuôi toàn cầu đạt 135 tỷ USD năm 2012 và dự kiến tăng lên 195 tỷ USD năm 2019 với tốc độ tăng trưởng 5,1%/năm.

Hải Băng

Oecd.org, Thefishsite, FAO, Globefish

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!