Hướng nuôi tôm ‘trăm nuôi trăm thắng’

Chưa có đánh giá về bài viết

Cùng với hơn 100 mô hình thí điểm nuôi tôm theo công nghệ cao, bước đầu thu kết quả “trăm nuôi trăm thắng” trong năm 2017, ngay đầu năm 2018, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tỉnh Bạc Liêu cũng đã chính thức khởi công.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Chi nhánh Công ty Việt Úc Bạc Liêu tại huyện Hòa Bình, tỉnh bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Chi nhánh Công ty Việt Úc Bạc Liêu tại huyện Hòa Bình, tỉnh bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử

Đây là những tín hiệu khiến người nuôi tôm tại Bạc Liêu nói riêng, các tỉnh ĐBSCL nói chung vô cùng háo hức, kỳ vọng vào một tương lai mới trong năm 2018.

Những thông tin vui này đã được ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Theo ông Dương Thành Trung, với tinh thần “biến bất lợi thành có lợi” cũng như chiến lược phát triển ngành tôm đến năm 2025 của Chính phủ, năm 2017, Bạc Liêu đã được Chính phủ lựa chọn làm địa bàn trọng tâm trong việc phát triển nuôi tôm theo công nghệ cao, đồng thời đã được Chính phủ chấp thuận đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm với mục tiêu làm hạt nhân lan tỏa cho toàn bộ vùng ĐBSCL.  

Chờ sự bứt phá cho ngành tôm

Để khởi động cho chiến lược này, trong năm 2017, Bạc Liêu đã thu hút được 7 doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm phối hợp với nông dân và HTX điển hình để khởi động các mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao, có kiểm soát toàn bộ chu trình nuôi thông qua các công nghệ cho ăn tự động và bằng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát 16/16 chỉ tiêu môi trường nước.

Nhờ công nghệ cho ăn tự động, việc kiểm soát môi trường nước trong nuôi tôm đang hết sức thuận lợi. Lâu nay, việc cho tôm ăn thường vẫn diễn ra theo cảm tính, dẫn tới lượng thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường nước rất khó kiểm soát. Nhờ công nghệ mới này, người nuôi có thể biết được lúc nào thì cần cho tôm ăn, lượng cho ăn bao nhiêu thì vừa. Bên cạnh việc kiểm soát được 100% chất lượng nguồn nước, công nghệ này cũng giúp người nuôi tiết kiệm được lượng thức ăn đáng kể.

Hiện nay, công nghệ này đang lan tỏa rất nhanh tại Bạc Liêu. Chỉ trong năm 2017, đã có khoảng 100 mô hình, gồm cả nông hộ và các HTX tại Bạc Liêu áp dụng nuôi tôm theo công nghệ cao với tổng diện tích thả nuôi trên 800 ha. Qua 3-4 vụ nuôi vừa qua tại Bạc Liêu, các mô hình cho kết quả thành công mỹ mãn, tôm hoàn toàn không bị dịch bệnh, gần như “trăm nuôi trăm thắng”.

Hiện người nuôi tôm đang hết sức háo hức với mô hình nuôi mới theo công nghệ cao này. Bởi vì khá lâu rồi, việc nuôi tôm ở ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng áp dụng mô hình nuôi thâm canh, quảng canh cải tiến đều vẫn bị dính dịch bệnh rất nặng nề. Vì vậy với sự thành công rất lớn từ mô hình nuôi theo công nghệ cao, bà con đang có tâm lý trông chờ vào một điều kỳ diệu có thể giúp họ tránh được rủi ro dịch bệnh – cái mà nghề nuôi tôm luôn ái ngại nhất.

Nuôi tôm trong nhà Kính

Nuôi tôm trong nhà Kính

Đối với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tỉnh Bạc Liêu đã được Thủ tướng có chủ trương đầu tư và phê duyệt, trong năm 2017, Bạc Liêu đã khẩn trương triển khai dự án này. Hiện tại, dự án đã được xin ý kiến của các Bộ ngành và đã đủ các điều kiện để khởi công xây dựng.

Theo đó, khu công nghệ cao được xây dựng tại xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu với tổng diện tích tự nhiên toàn khu là 418,91ha. Khu công nghệ cao bao gồm nhiều hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu vào ngành tôm; gia hóa tôm bố mẹ, sản xuất giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn, các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành tôm của tỉnh, vùng Bán đảo Cà Mau, đồng bằng sông Cửu Long và cả nước…

Dự kiến, Bạc Liêu sẽ chính thức khởi công dự án vào cuối tháng 1/2018 nhằm sớm đưa khu công nghệ cao này làm hạt nhân lan tỏa cho khu vực ĐBSCL.  

Yếu nhất thủy lợi cho nuôi tôm

Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai dự án công nghệ cao cho tôm hiện nay của Bạc Liêu, đó chính là hệ thống thủy lợi cho thủy sản nói chung và tôm nói riêng, đặc biệt là tại các vùng ven biển có diện tích nuôi tôm công nghệ cao.

Hiện nay, Bạc Liêu cũng đang phối hợp với các đơn vị của Bộ NN-PTNT để rà soát, quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm công nghệ cao, để làm sao kiểm soát được mặn – ngọt, kiểm soát độ mặn của nước cũng như các chỉ tiêu chất lượng nguồn nước cho vùng nuôi. Bạc Liêu và các đơn vị của Bộ NN-PTNT cũng đã và đang quyết liệt rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các hệ thống cống kiểm soát mặn ngọt, tuy nhiên về quy hoạch thủy lợi thì vẫn chưa được hoàn hảo, nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng như các bộ ngành cần có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát môi trường nước phục vụ nuôi tôm ở ĐBSCL nói chung, bởi tốc độ suy giảm chất lượng môi trường nước đang ngày càng nhanh và mạnh. Các vùng nuôi đa số chỉ sau một thời gian ngắn là xẩy ra dịch bệnh.

Về SX, nhu cầu điện phục vụ cho vùng nuôi công nghệ cao tới đây sẽ rất lớn, trong khi hạ tầng và nguồn cung điện đang rất hạn chế. Vừa qua, Bạc Liêu đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để tháo gỡ vấn đề này nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện cho các vùng SX tôm. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này, dứt khoát không để các vùng nuôi tôm bị thiếu điện phục vụ SX.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu)

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu)

Đối với nguồn vốn, nhu cầu vốn phục vụ cho người nuôi trong quá trình mở rộng diện tích nuôi tôm theo công nghệ cao tới đây sẽ ngày càng lớn. Hiện trong số 100 mô hình đã áp dụng công nghệ cao, đa số vẫn là các HTX và cá nhân có tiềm lực về kinh tế, có thể tự bỏ vốn ra đầu tư. Tuy nhiên tới đây, khi phong trào áp dụng công nghệ cao lan tỏa ra, sẽ cần phải có sự vào cuộc của hệ thống các ngân hàng thương mại, bởi đa phần người nuôi tôm hiện nay đều gặp khó khăn về vốn, tài sản đã thế chấp ngân hàng, vì vậy muốn đầu tư mới cho nuôi tôm theo công nghệ cao thì cần phải tiếp tục có vốn vay mới.

Hiện nay, mức đầu tư cho nuôi tôm công nghệ cao khá lớn, khoảng từ 500-600 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nuôi theo mô hình này gần như không có rủi ro, chắc làm chắc thắng nên chỉ cần sau 1 năm thôi, người nuôi đã có thể hòa vốn. Vì vậy, các ngân hàng hoàn toàn có thể yên tâm cho người nuôi vay vốn mà không lo vấn đề bảo toàn vốn.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng cần có những chỉ đạo cụ thể để người nuôi tôm tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng, thuận lợi hơn trong thời gian tới. Thời gian qua, Bạc Liêu đã làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bàn về vấn đề này, theo đó các bên cũng đều nhận thức được về việc cần phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng – nông dân và DN. Đây cũng chính là cách làm vừa để cứu người nuôi tôm, nhưng cũng là để cứu các ngân hàng thương mại vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Lê Bền

Báo Nông Nghiệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!