T2, 06/07/2020 01:28

Hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Chế phẩm sinh học là hệ vi sinh vật có lợi, khi sử dụng cho thủy sản không độc hại và đặc biệt không có tác dụng phụ không mong muốn. Thực tiễn những năm qua cho thấy, sử dụng chế phẩm sinh học là bước tiến mới mang lại hiệu quả ổn định, lâu dài và bền vững cho ngành NTTS.


Nguy cơ ô nhiễm môi trường

Những năm gần đây, các mô hình thâm canh, siêu thâm canh đã giúp tăng nhanh sản lượng thủy sản nuôi nói chung và tôm nói riêng. Sản lượng vượt trội, tỷ lệ thành công lớn đang khiến cho diện tích nuôi tăng nhanh. Tuy nhiên, loại hình này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường nếu việc quản lý không được thực hiện một cách nghiêm ngặt và triệt để.

Bùn thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm thâm canh, nuôi cá tra công nghiệp, nuôi cá trê) chứa các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các hóa chất và thuốc kháng sinh, các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit, lưu huỳnh lắng đọng, các chất độc hại có trong đất phèn Fe2+, Fe3+, Al3+, SO42-. Lớp bùn này có chiều dày khoảng 0,1 – 0,3 m trong tình trạng ngập nước yếm khí tạo thành các sản phẩm phân hủy độc hại như H2S, NH3, CH4, Mecaptan… thải ra trong quá trình vệ sinh và nạo vét ao nuôi tác động xấu đến môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản nuôi. Ngoài ra, lớp bùn này cũng là nơi sinh sống của vi sinh vật gây thối, có hại… Các vi sinh vật gây bệnh như: Vibrio, Aeromonas, Ecoli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus cùng nhiều loại nấm và nguyên sinh động vật. Vi sinh vật gây bệnh được xem là tác nhân gây bệnh thứ cấp hoặc gây bệnh cơ hội. Một khi sự cân bằng của hệ vi sinh vật trong ao nuôi bị phá vỡ, các vi sinh vật có hại sẽ phát triển ồ ạt và sớm cộng hưởng với các yếu tố có hại khác để gây bệnh cho cá, tôm.

Quá trình chuyển dịch trồng lúa sang NTTS diễn ra quy mô lớn ở vùng mặn hóa ven biển làm gia tăng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển. Những đầm tôm thay thế rừng ngập mặn đang diễn ra khá phổ biến từ đó làm suy giảm diện tích rừng ngập mặn. Các hình thức nuôi cá lồng, bè trên sông rạch, nuôi thâm canh thủy sản vùng ngọt hóa đã gây nên các tác động đến chất lượng môi trường nước.

Hướng đi bền vững

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế những nguy cơ về dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh ATTP, hướng tới nuôi thủy sản bền vững, các giải pháp an toàn sinh học đã được áp dụng rộng rãi. Trong đó, biện pháp sinh học đóng vai trò rất quan trọng và được thực hiện chủ yếu qua việc sử dụng chế phẩm sinh học. Những năm gần đây, các nhà khoa học và nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu và cho ra đời những dòng chế phẩm sinh học có tác dụng cải thiện môi trường nước, tạo điều kiện thuận lợi cho thủy sản phát triển tốt, hạn chế ít dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất cho người nuôi.

Chế phẩm sinh học trong có vai trò quan trọng, thường được sử dụng để xử lý môi trường nuôi thủy sản, phân hủy các chất hữu cơ và làm giảm đáng kể lớp bùn nhớt, giảm mùi hôi của nước trong ao, xử lý đáy ao; phối trộn với thực phẩm tạo hệ men tiêu hóa; phòng ngừa các bệnh đường ruột và tăng cường khả năng kích thích miễn dịch cho tôm. Có thể sử dụng chế phẩm sinh học từ giai đoạn cải tạo ao nuôi, trong suốt quá trình nuôi. Bên cạnh đó, chế phẩm sinh học có tính tương thích cao, sử dụng hiệu quả đối với nhiều hình thức nuôi khác nhau, từ quảng canh đến thâm canh, siêu thâm canh… Các vi sinh vật có lợi trong chế phẩm sinh học không chỉ phân hủy sinh học các chất thải hữu cơ, giảm khí độc mà còn giảm được vi khuẩn gây bệnh, xạ khuẩn bằng cách tiêu thụ hết thức ăn của chúng. Đây là một lợi thế sinh học đặc biệt của chế phẩm sinh học, bởi thông thường nếu sử dụng kháng sinh, hóa chất để tiêu diệt vi khuẩn có hại sẽ làm ảnh hưởng đến cả hệ sinh vật có lợi trong ao tôm.

Trên thị trường, chế phẩm sinh học có thể được bán dưới dạng bột (bao gồm cả chất độn, thường là các loại tinh bột) hoặc dạng lỏng. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng chế phẩm sinh học, người nuôi cần lưu ý, tìm hiểu kỹ công dụng của mỗi loại men vi sinh, chọn loại phù hợp với mục đích của mình và điều kiện tự nhiên của vùng nuôi, đọc và làm theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

>> Hiệu quả của các loại chế phẩm sinh học đã được chứng minh bằng những mô hình thực tế. Hiện nay, chế phẩm được sử dụng rất rộng rãi ở nhiều nơi, trên các đối tượng thủy sản, giúp người nuôi giảm trực tiếp chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nguyễn An (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!