Indonesia đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản nội địa

Chưa có đánh giá về bài viết

Thị trường trong nước được khai thác tốt sẽ tăng sức mạnh cho ngành hàng trên thương trường quốc tế. Đó là lý do Chính phủ Indonesia luôn tích cực mở rộng thị phần trong nước.

Nhiều “đất” cho “hàng nội”

Sở hữu nguồn lợi thủy sản phong phú cùng truyền thống nghề cá lâu đời, Indonesia là một trong những nhà sản xuất thủy sản hàng đầu thế giới. Indonesia cũng được xếp hạng là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới trong nuôi trồng thủy sản, khi biết phối hợp khéo léo tiêu thụ thủy sản nội địa, xuất khẩu nhằm mang lại cơ hội đồng đều và thỏa đáng cho các doanh nghiệp chế biến và nông, ngư dân.

Tổng sản lượng thủy sản năm 2012 đạt 15,26 triệu tấn; trong đó, thủy sản đánh bắt 5,81 tấn, nuôi trồng 9,45 tấn. Năm 2011, Indonesia được FAO xếp hạng là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản lượng đánh bắt và thứ 4 trên thế giới về sản lượng nuôi trồng. Chính phủ Indonesia đang hy vọng ngành thủy sản có khả năng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và là nguồn đạm chủ yếu trong khẩu phần ăn hằng ngày của người dân. Do đó, Chính phủ luôn tuyên truyền, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng thủy sản. Tiêu thụ thủy sản bình quân năm 2012 là 33,8 kg, mức tăng khá ấn tượng so với thập kỷ trước.

Thủ đô Jakarta cũng vừa tuyên bố thực hiện “Cuộc cách mạng xanh” sau lễ phát động và tuyên truyền từ năm 2010. Mục tiêu là đẩy mạnh tiêu thụ thủy sản nội địa và toàn cầu. Một phần lớn sản lượng thủy sản luôn được “để dành” và sẵn sàng cung cấp cho thị trường nội địa bất cứ thời điểm nào, ngoại trừ sản phẩm tôm nuôi và cá ngừ câu vàng được ưu tiên phục vụ xuất khẩu (vì mang lại giá trị kinh tế cao hơn tại thị trường nước ngoài). Tổng sản lượng tiêu thụ thủy sản mỗi năm đang tăng dần, khoảng 700.000 tấn trong 5 năm lại đây. Nếu ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững thì con số tiêu thụ thủy sản nội địa được kỳ vọng sẽ đạt 7 triệu tấn/năm.

 

Nuôi trồng thủy sản “mở” và bền vững

Trong khi nhiều công ty nước ngoài vướng không ít trở ngại trong hoạt động hợp tác, phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản bởi hệ thống luật đầu tư rắc rối; thì Indonesia mở cửa, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tác nước ngoài trên toàn cầu cùng tham gia “sân chơi” với doanh nghiệp, cơ sở trong nước. Vốn và công nghệ là những gì Indonesia thu được khi rộng mở “sân chơi”, giúp ngành thủy sản nội địa phát triển mạnh hơn, sản lượng gia tăng.

Chính phủ Indonesia cũng đặt mục tiêu tăng lượng tiêu thụ thủy sản nội địa từ các sản phẩm mang tính bền vững lên 350.000 tấn trong vòng một vài năm tới. Đây cũng là một phần kế hoạch của Chính phủ trong chiến dịch “Cách mạng xanh”: thúc đẩy tiêu thụ nội địa và cải thiện chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày của người dân. Bên cạnh đó, tiêu thụ thủy sản nội địa tăng mạnh một phần do giá bán lẻ thịt gà, thịt bò đang tăng cao. Trong siêu thị, giá thủy sản bình quân thấp hơn thịt gà và thịt lợn khoảng 20%. Cá trở thành thực phẩm phổ biến trong các bữa ăn gia đình. Cá tươi được ưa chuộng hơn cá đông lạnh hay cá chế biến sẵn.

Bộ Thủy sản Indonesia cũng cung cấp trung tâm đào tạo hướng dẫn và phổ biến công nghệ đánh bắt cá cho ngư dân nhằm gia tăng sản lượng. Ngày nay, ngư dân nhiều vùng ở Indonesia đã biết sử dụng thiết bị vệ tinh hàng hải quốc tế để định vị vùng đánh bắt cá hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh sản xuất cá tra, mặt hàng giá rẻ để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Indonesia có sông Batanghari chảy qua Jambi, khu vực có tiềm năng trở thành vựa cá tra lớn nhất nước. Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công nghệ để tăng sản lượng nuôi. Hiện, cá tra cũng là một trong những loài thủy sản được ưa chuộng tại Indonesia.

Theo đó, luôn chú ý thị trường nội địa, các nhà cung cấp thủy sản đã tạo ra chuỗi cung ứng mang tính bài bản. Nhiều doanh nghiệp kích cầu nội địa qua hội thảo, hội chợ ẩm thực, đưa thông tin về lợi ích của thủy sản trong ẩm thực trên phương tiện truyền thông để người dân gia tăng sử dụng.

>> Theo Bộ Thủy sản Indonesia, 85% sản lượng thủy sản được tiêu thụ nội địa, xuất khẩu chỉ chiếm 15%. Với dân số hiện tại khoảng 240 triệu người, tiêu thụ thủy sản bình quân 30 kg/năm, tăng 10% kể từ năm 2006. Chính phủ nước này cũng đặt ra mục tiêu sẽ tăng lượng tiêu thụ nội địa lên 31,5 kg trong thời gian tới.

Mi Lan

Worldfishing.net, Gbgindonesia

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!