IUU và chuyện “rào cản” doanh nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời điểm Quy định khai thác đánh bắt thủy sản (IUU) ra đời và có hiệu lực đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tưởng rằng đó là chuyện “trước kia”, nhưng hiện tại nó vẫn còn là vấn đề thời sự.

Truy tìm nguyên nhân

Thời gian qua, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản vẫn diễn ra bình thường – xét trên khía cạnh thủ tục hành chính giấy tờ. Thế nhưng, sau khi xuất hiện Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT Quy định việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác khiến mọi thứ bắt đầu rối rắm.

Thông tư dài 51 trang, chủ yếu tập trung vào vấn đề xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác do việc xác nhận của cơ quan thẩm quyền đối với nguyên liệu thủy sản khai thác không vi phạm các quy định về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Thứ hai là chứng nhận thủy sản khai thác là chứng nhận của cơ quan thẩm quyền đối với lô hàng xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu thủy sản khai thác không vi phạm các quy định về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Theo đó, tựu chung lại một lô hàng thủy sản sau khi đánh bắt ngoài biển về phải đảm bảo các tiêu chí là đánh bắt trong khoảng thời gian nào, ở vùng biển nào, và nếu đánh bắt trong khu vực quy định sẽ được chứng nhận là hợp pháp. Tại sao phải có một dạng thủ tục kiểu “nhật ký khai thác” như thế này. Nguyên nhân xuất phát từ quy định IUU nếu muốn xuất khẩu vào EU.

tàu cá bình định tăng tốc khai thác cá ngừ

Muốn xuất khẩu vào EU, thủy sản đánh bắt phải đạt chứng nhận hợp pháp theo quy định IUU – Ảnh: Lê Xuân Chiến

Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), ngày 29/9/2008, Liên minh châu Âu (EC) đã có quy định số 1005/2008 về thiết lập hệ thống trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Quy định IUU).

Thực tế sau đó, mọi thứ liên quan đến IUU đều diễn ra thuận lợi. Người viết bài này cũng đã phỏng vấn một số doanh nghiệp có xuất khẩu thủy sản đánh bắt sang EU về những quy định của IUU, đều nhận câu trả lời tương tự là mọi việc đều ổn. Và mọi việc bắt đầu không còn ổn kể từ khi Thông tư 50 có hiệu lực từ ngày 15/2/2016.

 

Đặt nhầm chỗ

Theo thông lệ quốc tế hay Việt Nam, một sản phẩm nào đó muốn được xác định thường do cơ quan có thẩm quyền cấp. Vì thế, trong trường hợp thủy sản đánh bắt, việc cơ quan có thầm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp cấp giấy xác nhận, giấy chứng nhận là hoàn toàn hợp lệ, bình thường.

Tuy nhiên, mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản TP Hồ Chí Minh ra thông báo, sẽ ngưng cấp giấy chứng nhận đối với các lô hàng có nguyên liệu thủy sản khai thác không thuộc địa bàn thành phố từ 1/8, khiến cho doanh nghiệp cực kỳ lo lắng.

Bởi lâu nay, để thuận tiện trong vận chuyển, liên lạc, nhiều doanh nghiệp thủy sản chọn TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, để đặt văn phòng làm việc, thậm chí, địa chỉ nhà máy cũng đặt tại đây để dễ dàng tuyển dụng công nhân từ các tỉnh khác về. Theo đó, để có nguyên liệu, các đơn vị này phải mua từ nhiều địa phương trong cả nước; lúc đó, hình dung ban đầu là trong 20 tấn thủy sản, sẽ có ít nhất 3 giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền ở ba tỉnh. Rồi sau đó, lô hàng được đưa vào chế biến, doanh nghiệp phải làm những thủ tục để chứng minh xuất xứ nguồn gốc theo quy định IUU… Như vậy, chỉ với một ví dụ nhỏ để thấy, một loạt các thủ tục hành chính mà doanh nghiệp sẽ phải làm để có một đơn hàng xuất khẩu.

>> Với việc phải có chứng nhận đánh bắt các sản phẩm thủy sản đã khiến cho doanh nghiệp ngày càng khó khăn; trước hết lo hoàn thành những thủ tục này, trong khi một phần từ nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp là để “nuôi bộ máy” hành chính hiện nay.

Út Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!