T2, 06/07/2020 12:37

Kết nối và xây dựng chuỗi giá trị cá bổi khô

Chưa có đánh giá về bài viết

Tiến tới thực hiện Dự án “Kết nối và xây dựng chuỗi giá trị cá bổi khô trên địa bàn và Thu thập dữ liệu doanh nghiệp để hình thành website thông tin về kinh doanh và thương mại tại tỉnh Cà Mau”, sáng 24/3, Đoàn công tác Viện Mekong do ông Sa-nga Suttanun, Quản lý Dự án, có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về tiến độ Dự án.

Sản phẩm cá bổi khô Cà Mau phần lớn tiêu thụ trong nước.

Sản phẩm cá bổi khô Cà Mau phần lớn tiêu thụ trong nước.

Thông tin về tiến độ Dự án, ông Nguyễn Lê Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết, địa bàn thực hiện sẽ được triển khai tại huyện Trần Văn Thời và U Minh, với tổng diện tích trên 250ha, sản lượng 20 tấn/ha, trọng lượng 8 con/kg.

Đây là vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn theo hệ sinh thái ngọt, chủ yếu nuôi cá bổi trong ao vườn. 

Ông La Văn Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: “Dự án hướng mục tiêu tạo chuỗi giá trị sản phẩm từ đầu vào, nuôi cá, thu mua, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; tạo ra thương hiệu và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị ngành hàng con cá bổi Cà Mau…”. 

Ông Vũ Đức Hùng, cán bộ Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Sản phẩm cá bổi hiện phần lớn tiêu thụ trong nước, một phần nhỏ xuất khẩu sang Đài Loan và Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Với lợi thế phát triển của nghề nuôi, vùng nuôi đang mở rộng ra một phần huyện Thới Bình và TP. Cà Mau, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có vùng nguyên liệu khoảng 500ha với sản lượng 7.500 tấn. Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến sản phẩm sang các thị trường tiêu thụ lớn ở nước ngoài. 

Cùng với mật ong U Minh Hạ, cá bổi khô hiện không chỉ là sản phẩm ẩm thực thuần túy mà còn mang đặc trưng văn hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng đất Nam Bộ, tạo nên sản phẩm du lịch, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn tiêu dùng, quà tặng du lịch…

Dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Viện Mekong (Thái Lan) thực hiện tại 19 tỉnh thuộc hành lang kinh tế phía Nam Mekong thuộc 4 quốc gia: Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Myanmar từ nguồn tài trợ của Quỹ phát triển Nhật Bản. Tại Cà Mau, trong hai năm thực hiện, ngoài hợp phần đã nêu, Dự án được triển khai hợp phần về thu thập dữ liệu cho khoảng 100 doanh nghiệp, để hình thành website thông tin về kinh doanh và thương mại.

Thiên Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!