Khả năng mở rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính VietGAP

Chưa có đánh giá về bài viết

Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp cho người dân các địa phương tại Thanh Hóa.

Trang trại chăn nuôi tổng hợp cá trắm, mè, rô phi thương phẩm. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN

Nhiều địa phương ở Thanh Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế sang mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm có tính cạnh tranh gắn với tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. 

Chính vì vậy, mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp cho người dân các địa phương tại Thanh Hóa. 

Từ tháng 3/2016, gia đình ông Nguyễn Văn Nghiêu, xã Hà Vân, huyện Hà Trung và 1 hộ khác trong xã được Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa lựa chọn là điểm triển khai mô hình nuôi cá rô phi VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm. Sau 7 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt 85%, kích cỡ thu hoạch đạt 830g/con, năng suất 16,95 tấn/ha. 

Chia sẻ về kinh nghiệm này, ông Nguyễn Văn Nghiêu cho biết: “Những năm về trước, gia đình tôi nuôi trồng thuỷ sản chỉ dừng lại ở hình thức bán thâm canh, quảng canh và chủ yếu nuôi các loại giống cá truyền thống như: trắm, trôi, mè, chép nên năng suất, hiệu quả chưa cao.

Tuy nhiên, sau khi tham gia mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP, gia đình tôi nhận được sự giúp đỡ của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã mang hiệu quả kinh tế cao hơn và ít nhất 15% đầu ra sản phẩm không phải lo lắng vì đã có doanh nghiệp ký kết bao tiêu”. 

Kể từ những mô hình đầu tiên đó, đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hộ nông dân ở nhiều địa phương triển khai nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP trên tổng diện tích hơn 80 ha. Để khuyến khích người dân nuôi trồng thuỷ sản, nhất là thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi về các biện pháp trong quá trình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGAP.

Thông qua tập huấn, các hộ nuôi được nắm vững kiến thức mới, được chia sẻ kinh nghiệm thực tế, trao đổi những tình huống thường gặp phải trong quá trình nuôi cá với cán bộ kỹ thuật. Nhờ vậy, các hộ nuôi yên tâm đầu tư mô hình; đồng thời chăm sóc, thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi đã đề ra nên cá sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, kích cỡ đạt tương đối đồng đều. 

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa cũng hướng dẫn nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học, hóa chất cải thiện môi trường ao nuôi đúng liều lượng và không nằm trong danh mục cấm lưu hành trong nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ các hộ tham gia dự án 30% tiền thức ăn cho cá, hướng dẫn bà con cách thức sản xuất thức ăn tự chế, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam. 

Qua kết quả đánh giá từ thực tế từ các mô hình cho thấy, nuôi cá rô phi theo VietGap gắn với tiêu thụ sản phẩm có tỷ lệ sống đạt 73%, năng suất đạt trên 16 tấn/ha, tăng gần 15% so với yêu cầu, kích cỡ thu hoạch đạt trung bình 740gram/con, đem về lợi nhuận hơn 80 triệu đồng/ha/vụ. 

Mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm ở Thanh Hóa đã giúp người nuôi thay đổi tư duy về nuôi thủy sản bền vững và nhận thức được những lợi ích thiết thực của quy trình VietGAP, đó là giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống của cá, rút ngắn thời gian nuôi nên hiệu quả kinh tế thu được cao hơn hẳn. 

Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm của mô hình đã được các đơn vị thu mua theo hợp đồng bao tiêu và cung cấp cho bếp ăn tập thể của nhà máy, siêu thị, công ty có đầu mối xuất khẩu và một số chợ đầu mối trong vùng. 

Theo ông Nguyễn Duy Minh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa, mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Thanh Hóa đã mở ra một hướng đi mới cho sự phát triển về nuôi cá rô phi trong khu vực nuôi thủy sản nước ngọt, giúp ổn định khâu tiêu thụ sản phẩm, tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. 

Hơn nữa, điểm thành công lớn nhất của mô hình là nhờ liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, người nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng nên khả năng nhân rộng mô hình rất lớn. 

Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh Thanh Hóa xác định cá rô phi là một trong 4 con nuôi chủ lực trong phát triển thủy sản của tỉnh và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 1.000 ha nuôi cá rô phi đơn tính phục vụ xuất khẩu, năng suất đạt 20 tấn/ha, sản lượng 20.000 tấn; đến năm 2025 là 1.500 ha, năng suất 20 tấn/ha, sản lượng 30.000 tấn, chủ yếu tại các vùng cá – lúa đã có hạ tầng đầu mối.

Đây sẽ là nguồn nguyên liệu cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong tỉnh, xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước châu Âu.

Hoa Mai/TTXVN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!