T2, 06/07/2020 11:43

Khác biệt như Dương Hùng

Chưa có đánh giá về bài viết

Nói đến ngành tôm giống của Việt Nam, người ta thường nghĩ tới những trại giống nhỏ, đầu tư được chăng hay chớ, nửa làm giống nửa thu gom. Nhưng Dương Hùng là một hình ảnh khác…

Cần mẫn, chỉn chu và hơn thế

Tôi có cơ may mấy lần gặp Dương Hùng, thấy ông luôn cần mẫn, chỉn chu. Với công việc, ông luôn nhận trách nhiệm về mình. Ông xuất thân từ nghề dạy học ở Hậu Giang. Cuộc sống cơ cực, vợ chồng nuôi 5 con, ông quyết định rời Hậu Giang đi về Bạc Liêu. “Tôi linh cảm vùng đất giàu tiềm năng Bạc Liêu sẽ phát triển nhanh chóng; mình cần tới đây sinh sống, làm ăn”.

Ông Dương Văn Hùng (bên phải) kiểm tra tôm giống – Ảnh: Phan Thanh Cường

Ông dấn thân vào nghề nuôi tôm trong giai đoạn ngành tôm phát triển chưa ổn định. Những năm đầu, thắng thua không chừng, vợ ông lo lắng quá, chịu không nổi cuộc sống bấp bênh và lạ lẫm này. Vợ ông đã nói với ông rằng nên chọn một trong hai, hoặc vợ hoặc tôm. Ông Hùng kể: “Tôi cứ tưởng bà ấy nói đùa thôi, không ngờ làm thật…”. Cuộc sống đang lúc khó khăn, tưởng như bế tắc, một mình chống chọi việc kinh doanh thua lỗ, gà trống nuôi con, xung quanh mọi thứ đều xa lạ. Song ông vẫn tin: Nuôi tôm không khó, chỉ do mình chưa khắc phục được khó khăn, chưa vượt qua thử thách. Ông đinh ninh sẽ thành công, mặc dù như ông nói: “Bạn bè không ai tin tôi sẽ thành công”.

 

Tự lực và tin vào sức trẻ

Thời kỳ sản xuất giống gặp khó nhất là phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, phần lớn các doanh nghiệp trong nước bế tắc thường bỏ cuộc, đổi nghề, chuyển sang làm dịch vụ hoặc tìm cách liên kết với nước ngoài. Dương Hùng thì khác, thường xuyên tự hỏi: “Sao mình không sử dụng đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam được đào tạo bài bản?”. Dương Hùng không ngại trải thảm đỏ cho sinh viên  mới ra trường có tâm huyết và kiến thức; sẵn sàng sử dụng tài năng từ nơi khác, dù họ có tính cách khác biệt thế nào. Ông nói: “Tôi không coi họ như người làm thuê mà coi họ như những người bạn đắc lực của mình. Tôi giao cho họ những dự án cụ thể và thống nhất phương án cùng chia lợi nhuận sau khi trừ chi phí với mức tốt nhất có thể. Chúng tôi cùng nhau làm việc và cùng nhau hưởng thành quả do mình làm ra”. Một số kỹ sư nói rằng làm việc với Dương Hùng thích nhất là được trọng dụng chất xám; thu nhập của kỹ sư giỏi tại doanh nghiệp này không kém các vị trí lãnh đạo cao cấp của công ty nước ngoài trong ngành tôm, trong khi họ có thể thỏa sức phát triển kiến thức chuyên môn của mình.

Nguồn tôm giống bố mẹ của Dương Hùng được quan tâm đặc biệt. Ông nói: “Tôi thường mua tôm giống với giá cao gấp 2 – 3 người ta”. Ông than phiền: “Với những con tôm giống chất lượng kém hơn, nhiều cơ sở khác còn cho tôm đẻ hàng chục lượt, khiến chất lượng giảm thê thảm”. Thực hiện “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, ông chỉ cho tôm bố mẹ đẻ một số lứa rồi thả chúng ra biển. Ông cho hay: “Nhiều lần người đánh lưới đã vớt được những con tôm giống Doanh nghiệp tư nhân Tôm giống Dương Hùng thả ra biển”.

 

Không ngừng đổi mới

Quy mô Doanh nghiệp tư nhân Tôm giống Dương Hùng đã lớn vẫn đang được mở rộng. Ông Hùng nói: “Từ đầu năm đến nay, giá tôm hạ, người nuôi treo ao, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất giống vì quyền lợi của người nuôi”. Nhiều chuyên gia thủy sản nhận xét, quy mô làm giống của doanh nghiệp này không thua kém hầu hết các công ty nước ngoài hoặc có vốn nước ngoài. Người lao động ở đây được chăm sóc chu đáo. Ví dụ, phòng làm việc, phòng ăn, phòng giải trí nào cũng được có máy điều hòa nhiệt độ. Công nhân được bố trí ăn ở tại doanh nghiệp; nhiều nhà cao tầng được xây dựng dành cho họ. Ông Hùng nói: “Tôi muốn dành những gì tốt nhất cho công nhân”.

Văn phòng, trại sản xuất tôm giống của DNTN Tôm giống Dương Hùng – Ảnh: Phan Thanh Cường

Với tôm giống cũng vậy, ông Hùng chỉ sử dụng những loại thức ăn đắt nhất của Mỹ cho tôm của ông. “Chi phí nuôi tôm của chúng tôi cao gấp 2 – 3 lần so với nơi khác”. Nhiều hộ nông dân thường gọi điện đến Doanh nghiệp tư nhân Tôm giống Dương Hùng và ngạc nhiên thấy Giám đốc đến tận nhà họ hướng dẫn cách nuôi tôm, chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Hùng còn có tham vọng mở mang nghề nuôi tôm theo hướng công nghiệp, với việc lập các hợp tác xã (HTX) nuôi tôm kiểu mới, suất đầu tư thấp mà hiệu quả cao, độ an toàn lớn. “Tôi đã phải thuyết phục người nuôi mấy tháng trời, từng hộ, để họ tham gia HTX. Bởi khi nuôi trồng chung với nhau thì tất cả phải đoàn kết; nếu một hộ không tham gia thì dự án không triển khai được”. Những mô hình HTX nuôi tôm do ông tạo dựng đang thu được kết quả tốt, trình độ nuôi tôm của người dân được cải thiện, tôm sạch bệnh, được mùa. Nhiều nơi nhờ ông xây dựng HTX cho họ.

 

Trăn trở ngành tôm

Phát biểu tại một hội nghị về quy hoạch nuôi tôm nước lợ gần đây ở Bạc Liêu, ông Hùng bày tỏ mối lo ngại về những “thế lực” thu gom tôm giống không rõ nguồn gốc. Những người này rất ít sản xuất, thậm chí không sản xuất tôm giống, mà chỉ thu gom về đóng bao rồi bán cho nông dân. Chất lượng tôm giống đi xuống, đồng thời các doanh nghiệp đầu tư cho tôm giống lại lao đao. “Mong các cơ quan chức năng kiểm soát tình trạng thu gom. Đã là công ty sản xuất tôm giống thì buộc phải chứng minh khả năng sản xuất tôm của mình; công ty dịch vụ thu gom thì phải có giấy tờ kiểm soát năng lực chuyên môn trong lĩnh vực này, cũng như phải chịu trách nhiệm về con tôm mà mình thu gom bán ra cho người dân”, ông nói.

Làm ra giống tốt mà chưa chắc bán được – Đó là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với những cơ sở thu gom giống không rõ nguồn gốc và bán với giá rẻ. Ông Hùng đã thực hiện mô hình bán tôm giống “trả góp” cho nông dân, bằng cách đầu tư tôm giống, giúp người nuôi thành công, từ đó mới thu hồi vốn của mình. “Người nông dân còn bám ruộng nuôi tôm thì người làm giống tôm mới tồn tại được. Hai bên phải cùng tin tưởng và cùng nhau đi đến thành công”, ông tâm niệm.

P.N.A

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!