Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Ứng dụng công nghệ trong xác nhận nguyên liệu

Chưa có đánh giá về bài viết

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan lưu ý, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Đạt – TTXVN

Chiều 7/5, UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị tăng cường các biện pháp cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định. 

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan lưu ý, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Không cấp giấy phép khai thác, không tiến hành đăng ký, đăng kiểm cho các chủ thuyền vi phạm quy định. Các cơ sở chế biến, thu mua không sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ… 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan nhìn nhận, việc khai thác hải sản của ngư dân Nam Định vẫn ở mức nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chưa minh bạch vì vậy tiềm ẩn rủi ro cao. Hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng, có chỉ dẫn, truy xuất nguồn gốc ngày càng cao.

Vì vậy, để đảm bảo phát triển khai thác theo hướng bền vững đồng thời khắc phục “thẻ vàng” IUU, cơ quan chuyên môn cùng với các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn, nhất là các quy định về chống khai thác IUU cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh. 

Cơ quan chức năng hướng dẫn các tàu cá trang bị thiết bị giám sát hành trình để kết nối với cơ quan quản lý theo quy định; theo dõi, quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá hoạt động dài ngày trên biển và thường xuyên xuất, nhập bến ngoài tỉnh; không để tàu cá, ngư dân vi phạm các quy định về quản lý trong lĩnh vực thủy sản, vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. 

Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, thực tế kiểm tra cho thấy, vi phạm trong khai thác thủy hải sản của ngư dân Nam Định chủ yếu là không ghi nhật ký, báo cáo quá trình khai thác; quá hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản. Trước khi xuất bến và nhập bến chủ tàu không thông báo cho lực lượng chức năng biết để kiểm tra, kiểm soát. 

Đặc biệt, ý thức của ngư dân về việc chấp hành các quy định khai thác chưa cao trong khi lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát mỏng, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa chặt chẽ, thường xuyên; còn nhiều tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Hiện việc kiểm tra, kiểm soát tàu xuất, nhập bến khó khăn do trên địa bàn có nhiều bến cá nhỏ nằm rải rác các địa phương ven biển. Cơ sở hạ tầng cảng cá chưa đáp ứng được yêu cầu neo đậu, ra vào của tàu cá công suất lớn. 

Theo bà Hoàng Thị Tố Nga, việc truy xuất nguồn gốc thủy hải sản khai thác còn hạn chế do chưa có thiết bị giám sát hành trình tàu cá nên không thể đối chiếu với vị trí thuyền trưởng ghi chép trong sổ nhật ký khai thác. Khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến còn dẫn đến chưa thể đối chiếu thời gian đi khai thác của tàu cá. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có trên 2.100 tàu thuyền khai thác thủy sản, với tổng công suất 301.468 CV, tổng số lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển trên 6.000 người. Tỉnh Nam Định có 36 tàu vỏ thép được lắp đặt máy bộ đàm VX 1700 từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và ngư dân tự trang bị. 

Năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, lực lượng thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định khai thác, đóng mới tàu cá, phạt hành chính gần 700 triệu đồng./.

Vũ Văn Đạt/TXVN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!