Khắc phục tình trạng hàng thủy sản bị trả về

Chưa có đánh giá về bài viết

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 09/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng các lô hàng thủy sản Việt Nam bị nước ngoài cảnh báo, trả về. Đây là hành động cấp thiết để đảm bảo sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2018.


Chất lượng sản phẩm xuất khẩu được nhiều doanh nghiệp chú trọng Ảnh: Phan Thanh Cường

Tạo dựng uy tín thương hiệu

Các chuyên gia đều khẳng định nhu cầu thủy sản trên thị trường thế giới rất lớn, nhưng môi trường toàn cầu hóa lại hết sức nhạy cảm, nếu uy tín thương hiệu bị ảnh hưởng, việc tiêu thụ sẽ rất khó khăn không chỉ tại thị trường bị cảnh báo mà nhiều thị trường khác cũng bị ảnh hưởng hết sức tiêu cực.

Trước đây, hàng thủy sản Việt Nam bị trả về chủ yếu do không đảm bảo vệ sinh và chất lượng nhưng những năm gần đây vấn đề dư lượng kháng sinh trở thành một điểm nóng đối với nhiều thị trường như Nhật Bản, EU…

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật trong quản lý an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cấp phép lưu hành thuốc thú ý, chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; thường xuyên tổ chức rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn ra khỏi Danh mục các sản phẩm được phép lưu hành; chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến công nghệ sản xuất giống thủy sản để chủ động nguồn giống bảo đảm chất lượng; vận động, hướng dẫn người nuôi, doanh nghiệp áp dụng biện pháp nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

Loại bỏ kháng sinh

Năm 2018 được xem là năm bản lề trong quá trình phát triển thủy sản bền vững tại Việt Nam theo hướng loại bỏ kháng sinh khỏi quá trình nuôi trồng để chuyển sang các quy trình nuôi trồng bền vững. Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm trong việc chỉ đạo tổ chức giám sát tồn dư hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi để kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở vi phạm.

Nhưng lâu nay, việc quản lý kháng sinh khá chồng chéo, giữa ngành nông nghiệp và y tế trong khi sự phối hợp giữa hai bên còn khá lỏng lẻo. Theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ NN&PTNT soát chặt chẽ hóa chất, kháng sinh nhập khẩu sử dụng trong y tế nhưng bị cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản; rà soát, cập nhật quy định về mức giới hạn tối đa cho phép tồn dư thuốc thú y, hóa chất trong thực phẩm, quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm phù hợp với hướng dẫn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex quốc tế (CAC).

Song, việc loại bỏ kháng sinh, theo người nuôi trồng thủy sản, còn sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố: đó là việc cảnh báo, xử lý dịch bệnh, khống chế và loại bỏ dịch bệnh khỏi các vùng nuôi, đồng thời áp dụng các quy trình nuôi trồng mới với các sản phẩm thay thế kháng sinh.

Giải pháp tổng thể

Các chuyên gia nước ngoài cho biết việc, kiểm tra xử phạt hiện nay được áp dụng tại Việt Nam không thực sự hiệu quả vì mức xử phạt cao và không mang tính răn đe. Những doanh nghiệp có sản phẩm bị trả về do dư lượng kháng sinh cao cần phải bị phạt nặng hơn và cần phải được công khai trên dư luận và cả với các khách hàng quốc tế để tránh cảnh “con sâu làm rầu nồi canh”. Kinh nghiệm của Mỹ với các doanh nghiệp Việt Nam vi phạm tại Mỹ thì nước sở tại phạt đích danh doanh nghiệp vi phạm. Tại Việt Nam, nếu các doanh nghiệp bị trả hàng về gây ảnh hưởng đến thương hiệu ngành thủy sản cũng cần được xử phạt công khai, thậm chí ngừng xuất khẩu cho đến khi đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các doanh nghiệp hiện nay thường đổ lỗi cho người nông dân sử dụng kháng sinh, chất cấm làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đổ lỗi cho việc mua bán kháng sinh dễ dãi trên thị trường… nhưng rõ ràng nếu các doanh nghiệp không kiểm soát được chất lượng đầu vào nguyên liệu thì trách nhiệm phải thuộc về các doanh nghiệp. Hoạt động trong cơ chế thị trường, về mặt nguyên tắc, doanh nghiệp chính là đối tượng phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình chứ không phải là các cơ quan chức năng. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải có biện pháp tự bảo vệ thương hiệu của chính mình, bảo vệ quyền lợi của khách hàng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp cho thị trường.

 >>  Thời gian qua, các lô hàng thủy sản bị cảnh báo đến từ một số thị trường xuất khẩu thủy sản chính như EU, Mỹ, Nhật Bản; ngoài ra, các thị trường khác nổi lên là Hàn Quốc, Australia… Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là số lô hàng bị cảnh báo đã giảm rõ rệt, từ 128 lô trong năm 2016 còn 125 lô trong năm 2017. Tính riêng quý I/2018, con số bị cảnh báo chỉ là 23 lô.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!