Khai thác thủy sản vào nề nếp

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã chọn Bình Định là địa phương làm thí điểm triển khai Luật Thủy sản 2017.

Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu về kiểm tra công tác chống đánh bắt IUU tại Bình Định

Sau khi nhận trọng trách, trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã dốc sức cụ thể hóa Luật Thủy sản gắn với việc thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Những nỗ lực của tỉnh đã được đền đáp xứng đáng với ý thức của ngư dân ngày càng được nâng cao.

Nhận làm thí điểm triển khai Luật Thủy sản, Bình Định đã lập tức xây dựng, phê duyệt Đề án thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và thực hiện đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp, qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, khai thác thủy sản (KTTS) theo quy định IUU.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, sau 1 thời gian triển khai, đến nay đã có 3.600 chủ tàu cá đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Hoạt động KTTS cũng được ngành chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn. Trong năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019, có 22.057 lượt tàu xuất và nhập bến các cảng cá trong tỉnh đều thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết. Ngành chức năng đã xác nhận 17.065 tấn thủy sản cập cảng và chứng nhận 5.663 tấn thủy sản đủ chuẩn thành phẩm.

Trong thời gian này, Bình Định cũng đã “mạnh tay” xử phạt 3 trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ với số tiền 255 triệu đồng. Nhờ vậy, từ ngày 11/10/2018 đến nay không có tàu cá nào của Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

Chuyển biến dễ nhận thấy nhất là ví như trước đây, ngư dân ghi chép nhật ký hành trình KTTS mỗi chuyến biển theo kiểu “cho có” nhằm đối phó với ngành chức năng, thì nay hầu hết các thuyền trưởng tàu cá đã thực hiện phần việc này hết sức nghiêm túc.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, khẳng định: “Ghi chép nhật ký KTTS của mỗi chuyến biển là cơ sở để ngành chức năng xem xét, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, đảm bảo quyền lợi cho ngư dân. Hơn nữa, thông qua việc ghi chép, báo cáo sản lượng thủy sản khai thác được sẽ giúp ngư dân tính toán được hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến biển, làm căn cứ để tái đầu tư cho chuyến biển sau”.

Lão ngư Bùi Thanh Ninh (SN 1959), người đang “cầm chịch” 15 chiếc tàu cá công sất lớn chuyên đánh bắt xa bờ ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) chia sẻ: “Tôi khẳng định việc ghi nhật ký hành trình KTTS trước tiên là mang lại lợi ích cho chính ngư dân. Ví như tôi đang quản lý đội tàu đánh bắt cá lớn, nhờ thuyền trưởng các tàu đều ghi chép chi tiết trong những chuyến biển, nên dù tôi không trực tiếp ra biển nhưng khi tôi yêu cầu là các thuyền trưởng tàu cá của tôi ở ngoài khơi đều ccung cấp chính xác đến từng chủng loại cá đánh bắt được, sản lượng bao nhiêu, chi tiết hành trình… Dựa trên cơ sở đó, tôi liên hệ với các DN thu mua thủy sản để ngã giá từng loại cá. Thương thảo xong, tôi điều tàu cập về địa phương mà DN đã chấp nhận thu mua sản phẩm của tôi với giá tốt nhất”.

 

Sản lượng, chủng loại thủy sản cập vào Cảng cá Quy Nhơn được khai báo đầy đủ

Cũng theo ông Trần Văn Phúc, trong thời gian tới Bình Định phấn đấu đảm bảo 100% các xã, phường có hoạt động nghề cá trong tỉnh được phổ biến, tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017 và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để gỡ “thẻ vàng” của EC. Phấn đấu 100% tàu cá KTTS vùng biển lộng, vùng khơi được kiểm tra hồ sơ giấy tờ và kiểm tra thực tế khi xuất bến; 100% tàu cá thực hiện ghi chép nhật ký KTTS đúng quy định.

Vũ Đình Thung

Theo Báo Nông Nghiệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!