T2, 06/07/2020 10:39

Khai thác, vận chuyển tôm hùm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Tôm hùm giống chưa được sản xuất bằng phương pháp nhân tạo nên phải khai thác từ tự nhiên. Thực hiện đúng kỹ thuật khai thác và vận chuyển sẽ giúp tôm hùm giống khỏe mạnh và tăng tỷ lệ sống.

Các phương pháp khai thác chủ yếu

Khai thác bằng lưới: Sử dụng lưới có  kích cỡ mắt lưới 5 mm (2 a = 5 mm). Kích thước lưới phụ thuộc quy mô khai thác; độ dài lưới 100 – 150 m, độ cao 4 – 6 m. Các hoạt động khai thác được tiến hành ban đêm: Sử dụng ánh sáng đèn neon cường độ 1.000 – 2.000 W. Lưới được giăng xuống biển bằng thuyền vào khoảng 8 giờ tối, sau 4 – 5 giờ (vào khoảng 12 giờ đêm) lưới được kéo lên thuyền lần thứ nhất để thu gom những con tôm hùm giống dính lưới. Ngay sau đó, lưới được giăng tiếp xuống biển, vào khoảng 4 giờ sáng lưới được kéo lên lần 2.

Tôm hùm giống mắc lưới được gỡ ra nhanh, nhẹ tay và được lưu giữ trong các thùng nhựa tròn có thể tích 4 lít, số lượng 100 – 150 con/thùng và sục khí. Khi thuyền cập bến, tôm được chuyển sang các thùng xốp với nước biển sạch. Kích thước của thùng thường là 30 x 50 x 25 cm, dưới đáy rải một lớp cát mỏng 5 – 7 mm; mật độ lưu giữ 200 – 300 con/thùng và có sục khí liên tục.

Khai thác bằng đặt bẫy: Loại bẫy được làm bằng lưới thường dài 60 cm, đường kính 40 cm. Riêng san hô được sử dụng làm bẫy có nhiều kích cỡ khác nhau tùy thuộc từng loại. Ða số san hô tảng được chọn là những khối có trọng lượng 2 – 5 kg, các lỗ trên bề mặt được khoan cách nhau 10 – 15 cm, kích thước mỗi lỗ 2 – 2,5 cm. Ðối với bẫy được làm bằng những gỗ cây cũng được khoan lỗ tương tự như đối với san hô.

Lồng bát quái được ngư dân sử dụng khai thác tôm hùm giống – Ảnh: Ngọc Hà

Các loại bẫy được thả xuống nước ở độ sâu 4 – 5 m, sau 3 – 5 ngày, khi bẫy đã ổn định ngư dân sẽ thu bắt tôm hùm hằng ngày vào các buổi sáng bằng cách giũ bẫy vào trong vợt lưới hoặc bắt chúng ra bằng tay từ các lỗ đã khoan. Hết mùa khai thác tôm giống, bẫy cũng được thu lên bờ và cất giữ nơi thoáng mát để sử dụng cho mùa khai thác năm sau.

Với cách khai thác này, trong một diện tích thả bẫy khoảng 50 x 100 m có thể thu gom được 50 – 200 con/ngày vào những tháng đỉnh cao khi tôm giống xuất hiện nhiều. Tôm giống bắt được lưu giữ trong thùng xốp hoặc xô nhựa với nước biển có sục khí.

Khai thác bằng cách lặn bắt: Ðây là loại hình khai thác truyền thống của ngư dân miền Trung. Ưu điểm của phương pháp này là con giống khỏe và kích cỡ thường lớn hơn nhưng số lượng ít.

 

Vận chuyển đảm bảo sức khỏe tôm giống

Phương pháp và kỹ thuật vận chuyển  ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tỷ lệ sống của tôm giống. Có 2 phương pháp sử dụng chủ yếu là vận chuyển khô và vận chuyển nước.

Vận chuyển khô: Phương pháp này thường được sử dụng để vận chuyển con giống lớn khoảng 30 – 100 g/con. Dụng cụ vận chuyển là các thùng xốp có kích thước 30 x 40 x 25 cm; hoặc 60 x 70 x 45 cm tùy thuộc số lượng giống cần vận chuyển. Mật độ tôm giống vận chuyển từ 150 – 300 con/thùng xốp. Thời gian vận chuyển từ 3 – 7 giờ, nhiệt độ được duy trì 21 – 220C bằng đá cây lạnh giữ trong các hộp nhựa hoặc túi nylon kín. Tôm được giữ độ ẩm của nước biển bằng rong hoặc khăn vải dày và vận chuyển nhanh đến nơi ương thả; đảm bảo đúng kỹ thuật, tỷ lệ sống trong vận chuyển đạt 90 – 95%.

 Vận chuyển nước: Ðược sử dụng để vận chuyển con giống nhỏ, từ post-puerulus (tôm trắng) đến juveniles (tôm bò cạp). Trọng lượng của cỡ giống này chỉ xấp xỉ 0,25 – 1 g/con và rất nhạy cảm với sự thay đổi đột ngột của môi trường sống. Dụng cụ vận chuyển cũng là các thùng xốp kích cỡ 30 x 50 x 25 cm hoặc 45 x 60 x 35 cm. Đáy thùng được phủ một lớp rong câu tươi hoặc một lớp cát dày 0,5 – 1 cm. Ðổ nước biển sạch vào thùng xốp cao ngập cát hoặc rong 5 – 7 cm và sục khí trong suốt thời gian vận chuyển. Nhiệt độ nước được duy trì 21 – 220C với thời gian vận chuyển 5 – 15 giờ; và 23 – 250C với thời gian vận chuyển 3 – 5 giờ bằng đá cây lạnh giữ trong hộp nhựa hoặc túi nylon kín.

Tôm giống được đưa vào thùng xốp với mật độ 300 – 400 con/thùng nhỏ hoặc 700 – 1.000 con/thùng lớn. Song hầu hết các phương tiện vận chuyển bằng xe máy thường sử dụng các thùng nhỏ vì tính gọn, nhẹ và dễ xử lý trên đường vận chuyển. Thùng lớn được sử dụng khi chuyển giống với số lượng nhiều bằng xe ô tô. Tỷ lệ sống trong vận chuyển thường đạt 95 – 97%.

Đoàn Quân

>> “Cơ sở sinh học và Kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo tôm sú”

Xác định được bãi đẻ để bắt tôm bố mẹ thành thục là một yêu cầu bức thiết của nghề sản xuất tôm giống. Đồng thời, nắm được điều kiện tự nhiên của bãi đẻ sẽ giúp người sản xuất giống tạo được môi trường có các yếu tố lý, hóa, sinh thích hợp, góp phần ổn định và nâng cao hiệu quả phát dục của tôm bố mẹ trong điều kiện nuôi nhốt và sản xuất tôm giống. Đây là một trong những yêu cầu về kỹ thuật trong bước đầu tiên để sản xuất giống tôm sú được trình bày trong cuốn sách nói trên do PGS. Nguyễn Văn Chung (Viện Hải dương học Nha Trang) biên soạn. Dựa trên những kinh nghiệm từ thực tế sản xuất và những thành tựu trong khoa học sản xuất, cuốn sách đã mang đến cho người đọc những kiến thức vừa chuyên sâu vừa có tính thực tiễn cao, giúp người đọc áp dụng vào việc sản xuất tôm sú giống hiệu quả nhất.

Sách do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành. 

Tuấn Tú  

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!