Khánh Hòa: 5 tháng đầu năm, ngành thủy sản thắng lợi

Chưa có đánh giá về bài viết

Toàn tỉnh khai thác được 73.113 tấn thủy sản các loại, tăng 1,2% so cùng kỳ 2018 Từ sản xuất giống, nuôi trồng, khai thác, đến xuất khẩu, 5 tháng đầu năm 2019, ngành thủy sản Khánh Hòa thu về nhiều kết quả tích cực. Sản xuất giống Toàn tỉnh sản xuất được hơn 4,7 […]

Toàn tỉnh khai thác được 73.113 tấn thủy sản các loại, tăng 1,2% so cùng kỳ 2018

Từ sản xuất giống, nuôi trồng, khai thác, đến xuất khẩu, 5 tháng đầu năm 2019, ngành thủy sản Khánh Hòa thu về nhiều kết quả tích cực.

Sản xuất giống

Toàn tỉnh sản xuất được hơn 4,7 tỷ con giống thủy sản các loại, tăng 177% so cùng kỳ 2018, phục vụ nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh khác. Trong đó, có 1.883 tỷ tôm giống, 2.830 tỷ giống nhuyễn thể các loại và 6,1 triệu cá giống.

Nuôi trồng

Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh thả nuôi hơn 2.660 ha thủy sản, tăng 18% so cùng kỳ 2018, trong đó nuôi nước ngọt 459 ha, nuôi nước mặn, lợ hơn 2.200 ha. Các đối tượng nuôi chủ lực vẫn là các loài cá biển (giò, mú, chẽm…), giáp xác (tôm sú, TTCT), nhuyễn thể (ốc hương)…

Thời gian qua, nông dân đã thu hoạch hơn 1.206 tấn thủy sản nuôi, trong đó nuôi nước ngọt 6 tấn và hơn 1.200 tấn thủy sản nuôi nước mặn, lợ.

Khai thác

Toàn tỉnh khai thác được 73.113 tấn thủy sản các loại, tăng 1,2% so cùng kỳ 2018, trong đó khai thác biển đạt 72.855,2 tấn, tăng 1,2%; khai thác nội địa đạt 258 tấn, tăng 1,9%.

Toàn tỉnh hiện có 9.808 tàu cá, với tổng công suất 653.687 CV; trong đó có 1.330 tàu khai thác xa bờ, 5.500 tàu công suất nhỏ, thường xuyên hoạt động ở khu vực gần bờ.

Từ hiệu quả của chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, tiêu thụ cá ngừ đại dương, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 150 tàu khai thác xa bờ tham gia ba chuỗi liên kết và hoạt động ổn định. Thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục nhân rộng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, chất lượng sản phẩm; quản lý tốt hơn công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh…

Ngoài ra, tình hình khai thác kiểu tận diệt giảm đáng kể. Theo nhận định của lực lượng thanh tra chuyên ngành, các nghề cấm như cào sò, giã cào, kích điện đã giảm khoảng 80% so năm 2017; riêng khai thác thủy sản bằng chất độc, chất nổ từ đầu năm 2018 đến nay chưa phát hiện trường hợp nào. Các vùng biển gần bờ trước đây vốn khá nóng về nạn khai thác thủy sản tận diệt như đầm Nha Phu, vịnh Cam Ranh, đầm Thủy Triều, vịnh Vân Phong nay đã bình yên trở lại.

Xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Khánh Hòa trong 5 tháng đầu năm đạt 189,23 triệu USD, tăng 10,93% so cùng kỳ 2018. Các sản phẩm đã có mặt tại 64 thị trường trên thế giới. Hiện, toàn tỉnh có 44 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản được Bộ NN&PTNT cấp chứng nhận tiêu chuẩn ngành, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Hải Vương, Công ty Chế biến Xuất khẩu F17, Công ty TNHH Hải Long, Công ty TNHH Thịnh Hưng…

Lực lượng lao động

Hiện, toàn tỉnh có gần 83.000 lao động làm việc trong lĩnh vực thủy sản, chiếm gần 10% tổng số lao động toàn tỉnh. Trong đó, lao động trong ngành khai thác thủy sản khoảng 33.000 người, trong nuôi trồng thủy sản hơn 28.300 người và hơn 21.600 người làm việc tại các cơ sở dịch vụ, chế biến thủy sản.

Đối với tàu khai thác xa bờ như: tàu câu cá ngừ đại dương cần 6 – 8 lao động/tàu; tàu lưới rê khơi cần 12 người/tàu, tàu lưới vây khơi cần 16 người/tàu, tàu câu mực cần 5 – 6 người/tàu. Như vậy, đối với đội tàu khai thác xa bờ của tỉnh, nhu cầu lao động cần khoảng 10.000 – 13.000 lao động. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% lao động nghề biển là người địa phương, 70% còn lại hầu hết là lao động thời vụ, không gắn bó với nghề, từ địa phương khác đến.

Thùy Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!