Khánh Hòa: Khoanh nợ để phục hồi thủy sản sau bão

Chưa có đánh giá về bài viết

Huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có hàng nghìn hộ dân theo nghề nuôi tôm hùm đã trắng tay sau bão số 12, với trên 12.400 lồng nuôi tôm hùm, trên 350 ha nuôi thủy sản đều bị thiệt hại nghiêm trọng. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đang khẩn trương hướng dẫn cho người dân hoàn tất hồ sơ thủ tục cần thiết để giãn nợ, miễn lãi giúp họ gượng dậy sau bão.


Trên 3.880 tỷ đồng và đống nợ

Ông Võ Hoàn Hải, Bí thư huyện ủy Vạn Ninh chua xót: “Ngư dân nuôi tôm chưa bao giờ rơi vào cảnh khốn đốn như lúc này. Đa số tôm hùm, hải sản đều chuẩn bị thu hoạch vậy mà tan nát hết. Hộ ít vì vài trăm triệu, hộ nhiều đến cả chục tỷ… số tiền thiệt hại ước khoảng 3.888 tỷ đồng. Đó là chưa kể số tàu bè chìm, hư hỏng”.

Trong đợt thăm các hộ gia đình ở Vạn Ninh bị thiệt mạng với Thành ủy TP Hồ Chí Minh, chúng tôi không giấu được thổn thức khi vợ ông Lê Hồng Linh (nạn nhân trận bão) nước mắt lưng tròng, bà cho biết gia đình phải vay nợ ngân hàng, dồn hết vốn liếng đầu tư cho bè tôm hùm trị giá hàng tỷ đồng. Tôm chuẩn bị thu hoạch lấy tiền trả nợ nhưng sau bão gia đình trắng tay, còn chồng thì tử nạn.

Ghi nhận thực tế, sau bão số 12, toàn bộ lồng bè đã bị phá tan và có bè dạt vào tận bờ. Nhiều hộ nuôi với số lượng lớn, ước thiệt hại hơn 100 tỷ đồng như gia đình ông Tám Tuân (Vạn Giã), ông Dương, ông Nhà, Mười Châu (xã Vạn Hưng)… Khuôn mặt thất thần, bà Nguyễn Thị Loan (thị trấn Vạn Giã) nghẹn ngào nói: “Gần 14.000 con tôm chuẩn bị thu hoạch đã trôi ra biển. Ước thiệt hại lên đến gần 30 tỷ đồng. Nợ ngân hàng chồng chất, sắp đến kỳ phải trả, tôi tính cuối tháng thu tôm sẽ đón Tết. Vậy mà bây giờ gia đình tay trắng, nợ nần chồng chất”.

Theo thống kê sơ bộ của BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, do ảnh hưởng bão số 12, toàn tỉnh thiệt hại trên 133.000 ha ao đìa nuôi thủy sản, trên 68.860 lồng nuôi tôm, cá bị trôi hoàn toàn và chưa thể thống kê được mức thiệt hại cụ thể.

Kiến nghị khoanh nợ 5 – 7 năm


Nhiều hộ nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa bị thiệt hại nặng sau bão

Theo ông Võ Hoàn Hải, Vạn Ninh đang chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính quyền tích cực hỗ trợ giúp người dân khắc phục sau bão. Đối với các hộ nuôi tôm hùm, huyện đang chỉ đạo kiểm đếm, thống kê cụ thể các trường hợp thiệt hại. Đồng thời, sẽ làm việc với các ngân hàng đề nghị có kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ giúp người dân. “Với số lượng lồng bè thiệt hại như trên vựa tôm hùm Vạn Ninh gần như xóa sổ. Rất khó để phục hồi được trong thời gian tới, do đó ngư dân rất cần tỉnh, bộ, ngành trung ương có kế hoạch, chính sách hỗ trợ ngư dân tái sản xuất”- ông Hải nói.

Ông Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa cho biết, trước mắt chi nhánh đã yêu cần các tổ chức tín dụng rà soát lại các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp đã được quy định trong cơ chế xử lý nợ bị rủi ro; phối hợp với chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ. “Tôi cho rằng, cần phải khoanh nợ chứ giãn nợ, giảm lãi… thì rất khó để hỗ trợ người dân. Vì có giản nợ nhưng mất hết cơ sở sản xuất thì lấy gì trả nợ?”- ông Chiểu cho biết. Cùng quan điểm, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng và Ngân hàng chính sách xã hội khẩn trương hướng dẫn cho người dân hoàn tất hồ sơ thủ tục cần thiết để giãn nợ, miễn lãi. Trường hợp nặng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa tổng hợp cụ thể để trình Chính phủ xem xét khoanh nợ, xóa nợ.

Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, hệ thống ngân hàng đã quy định cho các đối tượng được phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ…; do vậy đề nghị các tổ chức tín dụng cần nhanh chóng hướng dẫn các thủ tục cần thiết để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, quy định chính quyền phải xác nhận thiệt hại, nhưng với cả nghìn người ảnh hưởng như vậy chính quyền rất khó để xác định chính xác và sẽ rất mất thời gian. Theo đó, đề nghị nên linh hoạt trong các thủ tục, có những đặc thù riêng; thu gọn lại quy trình thủ tục, hồ sơ thiệt hại để giúp cho các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp có điều kiện thực hiện đúng quy định và kịp thời.

>> Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết: “Quan trọng, cấp thiết nhất hiện nay là xem xét cơ cấu lại khoản cho vay mới để người dân tiếp tục sản xuất. Rất hoan nghênh Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã có văn bản quyết liệt giữ hạn mức 50 triệu cho vay mới mà không tính đến khoản nợ cũ thiệt hại do bão số 12. Người dân vì cơn bão này ảnh hưởng quá lớn, trong đó người nghèo bị thiệt hại nặng nề, nguy cơ tái nghèo rất cao”.

Quang Đức

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!