Khánh Hòa: Triển vọng từ nuôi tôm hùm xanh

Chưa có đánh giá về bài viết

Liên tục nhiều tháng qua tôm hùm bông ở Khánh Hòa tỷ lệ chết 20 – 40%. Trong khi tôm hùm xanh thể hiện nhiều ưu thế hơn, đang là cứu cánh của ngư dân ở vựa tôm Cam Ranh.

Ngư dân chăm sóc tôm hùm ở các lồng bè   Ảnh: Quang Đức

Ngư dân chăm sóc tôm hùm ở các lồng bè Ảnh: Quang Đức

Dễ nuôi, ít bệnh

Ở Khánh Hòa 6 món đặc sản đi vào thi ca là “Yến sào hòn Nội/ Vịt lội Ninh Hòa/ Tôm hùm Bình Ba/ Nai khô Diên Khánh/ Cá tràu Võ Cạnh/ Sò huyết Thủy Triều…”. Nhắc đến tôm hùm người ta nghĩ ngay đến Bình Ba thuộc TP Cam Ranh vì vùng nước ở đây cho ra con tôm ngon, thơm, dễ nuôi. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay ảnh hưởng mưa lớn, các hồ xả lũ làm lượng nước biển giảm độ mặn, tôm hùm ở đây nhiễm bệnh chết nhiều.

Tại phường Cam Phúc Nam (TP Cam Ranh), trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Thị Hằng, chia sẻ: Gia đình nuôi 20 lồng tôm hùm trong đó 5 lồng tôm bông, 10 lồng tôm xanh, 5 lồng tôm giống. Đợt đầu năm, tôm hùm bông chết nhiều 4 – 5 con/ngày, nhiều con trọng lượng 800 g chuẩn bị thu hoạch vẫn chết khiến người dân thiệt hại tiền triệu mỗi ngày. Trung bình, các hộ đầu tư tôm hùm bông thiệt hại 30 – 40% chủ yếu là bệnh sữa, lỏng đầu. Trong đó, tôm hùm xanh có chết nhưng rất ít tỷ lệ chết chỉ khoảng 10%.

“Tôm hùm xanh có nhiều ưu điểm hơn so với tôm hùm bông như: giá tôm thương phẩm ổn định, tôm giống dễ mua, giá rẻ. Cao nhất khoảng 80.000 đồng/con tôm xanh, trong khi tôm hùm bông có thời điểm hơn 450.000 đồng/con (nặng vốn nên chỉ cần chết 40% là lỗ). Bên cạnh đó, thời gian nuôi hùm xanh ngắn, thu hồi vốn nhanh, chỉ khoảng 8 – 12 tháng; trong khi tôm hùm bông khoảng 14 – 15 tháng. Không chỉ vậy, thức ăn cho tôm hùm xanh đơn giản, giá thành thấp. còn tôm hùm bông ăn rất “sang” cua ghẹ sống mới chịu ăn nên chi phí rất cao”, bà Hằng cho biết.

Tại xã Cam Bình, TP Cam Ranh tôm hùm là thủy sản chủ đạo nuôi nhiều ở đảo Bình Ba, Bình Hưng. Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, thời gian qua các xã lân cận tỷ lệ tôm hùm chết rất nhiều nhưng Cam Bình hầu như không thiệt hại. Toàn xã có 1.300 hộ, trong đó 95% nuôi tôm hùm, số lồng nuôi lên đến 4.600 lồng thì tới 70% là tôm hùm xanh. Ưu điểm của loài này dễ nuôi, kháng bệnh tốt.

Triển vọng tương lai

Chính nhờ tôm hùm xanh ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao nên đây là đối tượng hiện chiếm được sự tin tưởng của người nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Ông Lê Minh Hải, Trưởng phòng Kinh tế TP Cam Ranh cho biết, trước đây người dân chủ yếu nuôi tôm hùm bông. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều người dân trên địa bàn thành phố đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm hùm xanh. Về giá thành mặc dù tôm hùm bông giá mua sỉ 1,5 – 1,7 triệu đồng/kg còn tôm hùm xanh chỉ 760.000 – 850.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đánh giá về hiệu quả kinh tế thì tôm hùm xanh lại đạt cao hơn vì vốn đầu tư thấp, tiêu thụ nhanh. Ngoài xuất khẩu thì tôm hùm xanh còn tiêu thụ mạnh ở nội địa.

Thống kê tại TP Cam Ranh có khoảng 29.400 lồng nuôi tôm hùm, trong đó khoảng 70 – 80% là nuôi tôm hùm xanh. Trong 2 tháng đầu năm 2017, thu hoạch 1.400 tấn; tập trung chủ yếu tại các xã, phường: Cam Bình, Cam Linh, Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam, Cam Phú… Mô hình tiêu biểu nhất tại xã Cam Bình, ở đây có đến 95% hộ dân tương ứng trên 1.200 hộ nuôi tôm hùm, với 4.600 lồng, trong đó hơn 70% là tôm hùm xanh.

Ông Diệp Chân Hùng, một trong những hộ nuôi tôm ở đảo Bình Ba (xã Cam Bình) cho biết, gia đình nuôi 10 lồng nuôi tôm hùm 100% là tôm hùm xanh, với tổng cộng 3.000 con. Vừa qua, sau khi xuất bán tôm, trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng. Cũng là một trong những hộ dân nuôi tôm nhiều nhất tại Cam Bình và TP Cam Ranh, ông Nguyễn Văn Quang thông tin, cuối năm 2016 vừa rồi, gia đình ông thả nuôi khoảng 16.000 con tôm giống, trong 55 lồng, tiền đầu tư con giống, thức ăn và nhân công khoảng 3 tỷ đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi, ông Quang nói: Địa điểm đặt lồng phải có độ mặn cao, tương đối ổn định, tránh xa cửa sông, suối; nguồn nước trong sạch, ít bị ảnh hưởng bởi chất thải vì tôm dễ bị bệnh lỏng đầu, đen mang, mòn đuôi… Việc đặt lồng phải có độ sâu phải ít nhất 2 m; mật độ 8 – 10 còn/m2; đáy lồng thả cát ít bùn lẫn đá san hô nhỏ. Thức ăn cho tôm chủ yếu là cá tạp, cua, ghẹ, loài nhuyễn thể… tùy cỡ tôm mà băm nhỏ thức ăn hay không. Cho ăn nhiều vào các buổi sáng sớm và chiều tối. Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng bè; chú ý nhận biết các bệnh của tôm đề phòng trị; sớm phát hiện ra các bệnh để cách ly, tránh lây lan cả đàn.

>> UBND TP Cam Ranh cho biết, thành phố đã quy hoạch diện tích 187 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản ở Cam Ranh. Tuy nhiên, hiện việc phát triển tự phát, số lồng tăng gần 10% so năm 2016 nên số diện tích nói trên không thể đáp ứng được nhu cầu nuôi. Địa phương đang nghiên cứu khảo sát lại khu vực mặt nước vịnh Cam Ranh để bổ sung quy hoạch.

Quang Đức

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!