Khép kín quy trình sản xuất và nuôi cá ngựa

Chưa có đánh giá về bài viết

Để nhân rộng số lượng loài cá ngựa đang có nguy cơ cạn kiệt và có nguồn sản phẩm phục vụ xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu nuôi cá cảnh ở thị trường nước ngoài, nhóm các nhà khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang đang tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu khép kín quy trình sản xuất và nuôi cá ngựa. Từ đó nhằm đưa giống cá ngựa được sản xuất nhân tạo dòng 1 trở thành cá ngựa giống bố mẹ, và cho ra tiếp dòng cá ngựa lai giống nhân tạo đời F2.

Ảnh: Thành Huế

Trước đây, cá ngựa nuôi ở Việt Nam được xuất khẩu qua các nước với mục đích nuôi làm cảnh. Có năm, Khánh Hòa xuất khẩu ra thị trường thế giới hơn 30.000 con cá ngựa cảnh. Tuy nhiên gần đây, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế và các nước tham gia Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp đã lên tiếng báo động về nguồn lợi cá ngựa ngoài tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động khai thác trái phép. Vì thế, các tổ chức này đã bỏ phiếu thống nhất cùng giám sát chặt chẽ việc buôn bán cá ngựa. Và đến cuối năm 2013, thông báo cấm xuất khẩu cá ngựa đen đã được chính thức đưa ra. Đồng thời, các tổ chức này cũng nhấn mạnh, loài cá ngựa đen sẽ được xuất khẩu trở lại nếu các nhà khoa học chứng minh được việc nuôi cá ngựa không ảnh hưởng đến nguồn lợi tự nhiên. 

Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2014 này, Viện Hải dương học Nha Trang đã tiếp tục mở rộng việc nghiên cứu sản xuất và nuôi thương phẩm giống cá ngựa. Hiện nay nhóm nghiên cứu đã có được một số kết quả ban đầu của loài cá ngựa Vằn và cá ngựa Gai.

Kỹ sư Hồ Thị Hoa – Viện Hải Dương Học Nha Trang cho biết Viện đã thành công trong việc tạo ra đàn cá F1 và nuôi đàn cá F1 trở thành bố mẹ để cho ra đàn cá F2 của hai loại cá ngựa Vằn và cá ngựa Gai. Tỉ lệ sống của hai loài tuy chưa cao nhưng đây là thành công so với các nước trên thế giới.

Mặc dù công việc nghiên cứu còn nhiều khó khăn. Kinh phí cho đề tài khép kín quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá ngựa của Viện chưa được Nhà nước duyệt. Nhưng các nhà khoa học Viện hải Dương học Nha Trang vẫn quyết tâm nghiên cứu với mong muốn giúp hoạt động nuôi cũng như xuất khẩu cá ngựa của Việt Nam được cho phép trở lại.

TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết nhiệm vụ tiếp theo của Viện là vẫn tiến hành nghiên cứu những đối tượng trong điều kiện nuôi giữ, đồng thời nuôi vỗ những đàn cá từ F1 lên F2 để cho ra được những đàn cá thương phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Hiện nay, kết quả nghiên cứu đang ở giai đoạn chủ động thay đổi màu sắc cá, từ cá ngựa đen sang cá ngựa vàng và trắng. Giai đoạn tiếp theo sẽ là khép kín quy trình sản xuất 7 loài, trước mắt là cá ngựa đen. Việc nghiên cứu nếu sớm thành công sẽ giúp khép kín quy trình lai tạo giống, nuôi sản xuất ngay từ trong bể, mà không bị lệ thuộc vào nguồn cá tự nhiên, mở ra triển vọng cho nghề nuôi cá ngựa xuất khẩu ở Việt Nam.

Dư Khánh

Đài PTTH Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!