T2, 06/07/2020 01:09

Khô đậu cải tiến trong khẩu phần ăn của tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghiên cứu đã chỉ ra khô đậu cải tiến khắc phục được những nhược điểm của khô đậu truyền thống để trở thành nguồn protein có tiềm năng thay thế bột cá.

Fig 1 

Axit Linolenic(a), axit Eicopentaenoic (b), axit Docosahexaenoic (c), axit béo bão hòa đa Ó omega-3 (d) của tôm thẻ giống được ăn thức ăn thủ nghiệm với hàm lượng khô đậu cải tiến khác nhau.

Nuôi tôm đang là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành NTTS. Chính điều này đã tạo áp lực lên nguồn bột cá và là động lực để các chuyên gia dinh dưỡng tìm kiếm nguyên liệu thay thế và giảm thiểu hoặc loại bỏ bột cá ra khỏi chế độ ăn của tôm.

Các loại khô đậu truyền thống từng được đánh giá là nguồn protein thay thế tiềm năng nhờ nguồn cung dồi dào, giá hợp lý, dễ tiêu hóa và hàm lượng axit amin cao. Tuy nhiên, khô đậu truyền thống lại có nhiều hạn chế; và để khắc phục được những hạn chế này, các nhà sản xuất đã phát triển khô đậu cải tiến (ISBM) từ khô đậu truyền thống. Tại Mỹ, Hiệp hội Đậu tương bang Ohio đã sản xuất khô đậu cải tiến (EnzoMeal) có hàm lượng protein cao hơn và yếu tố kháng dinh dưỡng (ANFs) thấp hơn 50% đậu tương truyền thống. Dưới đây là nghiên cứu đánh giá khả năng thay thế bột cá của khô đậu cải tiến trong thức ăn cho tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương.

Xây dựng nghiên cứu

Hiệp hội Đậu tương bang Ohio đã tiến hành thử nghiệm trong 12 tuần tại Trung tâm nghiên cứu NTTS, thuộc Đại học Kentucky để đánh giá giá trị dinh dưỡng của khô đậu cải tiến, không biến đổi gen (EnzoMeal) trong khẩu phần ăn của tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương. Nghiên cứu dựa theo quy tắc nghiên cứu khoa học của Đại học Kentucky và tuân thủ luật trong nước và quốc tế về phúc lợi động vật, chính sách và chỉ dẫn của địa phương.

Tôm được nuôi trong hệ thống tuần hoàn gồm 12 bể polyethylene dung tích 1.000 lít, trang bị máy tạo ôxy và lọc cơ học. Mỗi bể chứa 200 tôm thẻ chân trắng giống (trọng lượng trung bình ban đầu 3,2 gram). Nghiệm thức thử nghiệm được thả ngẫu nhiên vào bể và lặp lại 3 lần. Tôm được cho ăn thức ăn thử nghiệm 3 lần/ngày theo tỷ lệ 3 – 4% sinh khối bể, và khối lượng thức ăn được điều chỉnh 4 tuần/lần. Các chỉ số đo chất lượng nước thông thường được kiểm soát và duy trì trong ngưỡng cho phép suốt quá trình nghiên cứu.

Khẩu phần ăn thực tế Isonitrogenous (40% protein thô) và Isolipidic (9% lipid) được thiết lập bởi hãng Alltech ở Winchester, Mỹ còn Hiệp hội đậu tương Ohio chịu trách nhiệm cung cấp nguồn khô đậu cải tiến. 4 nghiệm thức thức ăn gồm: nghiệm thức đối chứng chứa khô đậu cải tiến (ISBM-0) và bột cá 300 g/kg làm nguồn protein chính; 3 nghiệm thức thử nghiệm (ISBM-33, ISBM-66 và ISBM-100) được xây dựng theo công thức thay thế bột cá với lượng bổ sung khô đậu cải tiến tăng dần.

Nhìn chung, thành phần axit amin của các khẩu phần ăn tương tự mặc dù ISBM-66 và ISBM-100 có hàm lượng lysine và methionine thấp hơn ISBM-0 và ISBM-33. Protein thô tương đối ổn định ở cả 4 khẩu phần dinh dưỡng từ 402 tới 416 g/kg, trong khi hàm lượng lipid khác biệt rõ rệt từ 86 đến 102 g/kg.

Hiệu quả của khô đậu cải tiến


Bảng 1 thể hiện kết quả của sản lượng tôm thẻ chân trắng khi cho ăn thức ăn chứa hàm lượng đậu tương cải tiến khác nhau trong 12 tuần. Trọng lượng thân cuối của tôm ở nhóm nghiệm thức ISBM-66 và ISBM-0 thấp hơn đáng kể các nhóm còn lại. Tăng trọng hàng ngày, hiệu quả sử dụng thức ăn, hiệu quả sử dụng protein và tỷ lệ sống đều không bị ảnh hưởng khi sử dụng khô đậu cải tiến. Tỷ lệ thay thế bột cá bằng khô đậu cải tiến được cho là tối ưu nhất sẽ nằm trong khoảng 89,13% – 95,56%.

Ngoài ra, thay thế khô đậu cải tiến ảnh hưởng đáng kể đến độ ẩm và protein của tôm, trọng khi lipid và tro không bị ảnh hưởng. Nhóm tôm ở nghiệm thức SBM-100 có độ ẩm cao hơn và hàm lượng protein thấp hơn ăn nhóm tôm ở nghiệm thức ISBM-0. Kết quả thí nghiệm không tìm thấy sự khác biệt đáng kể trong hàm lượng cholesterol cơ đuôi. Thay thế bột cá bằng khô đậu cải tiến tác động lớn tới axit linoleic, linolenic và oleic, và axit béo không bão hòa đơn omega-6 (PUFA) trong cơ đuôi của tôm. Cũng không có sự khác biệt đáng kể trong thành phần EPA, DHA và ARA v à các loại axit béo chủ yếu khác hoặc tỷ lệ omega-3/omega-6 giữa các nhóm nghiệm thức (Hình 1, p>05). Điều này cho thấy khô đậu cải tiến có thể thay thế toàn bộ bột cá như một nguồn axit béo omega-3 trong thức ăn và không làm thay đổi chất lượng sản phẩm tôm thương phẩm.

Có thể khẳng định việc thay thế hoàn toàn bột cá bằng khô đậu cải tiến là khả thi và không ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng của tôm vì hàm lượng chất kháng dinh dưỡng (ANFs) trong khô đậu cải tiến thấp hơn rất nhiều so với khô đậu truyền thống. Trong nghiên cứu này, việc thay thế hoàn toàn bột cá bằng khô đậu cải tiến đã ảnh hưởng tới protein tôm và độ ẩm nhưng không ảnh hưởng tới tro và lipid. Những thông tin có được qua nghiên cứu cũng khẳng định tiềm năng của các nguồn nguyên liệu thay thế có hàm lượng đạm động vật thấp và mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành tôm.

Mi Lan (Theo Aquaculturealliance)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!